Kiến thức

Nga chào bán tiêm kích tàng hình Su-57 cho một quốc gia giáp Trung Quốc, bán luôn cả công nghệ sản xuất nội địa

Tuấn Anh 07/07/2025 14:30

Vừa có đề xuất cung cấp tiêm kích tàng hình Su-57 từ Nga cho quốc gia này, kèm quyền tiếp cận mã nguồn và chuyển giao công nghệ sản xuất nội địa.

Đề xuất chưa từng có với quyền tiếp cận công nghệ sâu

Mới đây, Nga chính thức đưa ra đề xuất toàn diện với Ấn Độ, chào bán tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 phiên bản xuất khẩu (Su-57E) cùng với tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-35M. Đây được đánh giá là lời đề nghị lớn nhất mà Moscow từng dành cho New Delhi trong lĩnh vực hợp tác hàng không quân sự.

su-57.jpg
Mẫu tiêm kích Su-57 đang được Nga chào bán cho Ấn Độ

Theo nguồn tin từ Tập đoàn Rostec và hãng Sukhoi, gói thầu này bao gồm chuyển giao công nghệ sâu, cho phép Ấn Độ lắp ráp Su-57E ngay tại nhà máy Hindustan Aeronautics Limited (HAL) ở Nashik – cơ sở từng sản xuất hơn 220 tiêm kích Su-30MKI. Nga cũng khẳng định sẵn sàng cung cấp quyền tiếp cận mã nguồn và tỷ lệ nội địa hóa 40–60%, qua đó tạo điều kiện tích hợp các khí tài nội địa như tên lửa Astra, radar AESA Virupaksha và hệ thống vũ khí khác.

Cùng với đó, Moscow cam kết bàn giao 20–30 chiếc Su-57E ban đầu trong 3–4 năm, sau đó có thể mở rộng lên 70–100 chiếc vào đầu thập niên 2030. Đề xuất này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện tại của Không quân Ấn Độ mà còn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình phát triển tiêm kích nội địa AMCA thông qua chuyển giao công nghệ động cơ, hệ thống tàng hình và điện tử hàng không.

Su-57 động cơ
Việc có công nghệ của Su-57 là một điều đáng cân nhắc cho Ấn Độ

Đối với Su-35M, Nga kỳ vọng đây sẽ là giải pháp bổ sung nhanh chóng, khi loại máy bay này có đến 70–80% linh kiện tương đồng với Su-30MKI, giúp Ấn Độ tiết kiệm chi phí huấn luyện, bảo trì và vận hành. Theo Rostec, dây chuyền Su-35M đang được mở rộng để đáp ứng nhu cầu gia tăng do chiến sự tại Ukraine, nhờ đó bảo đảm tiến độ giao hàng 36–40 chiếc chỉ trong 2–3 năm nếu được ký kết.

F-35 gặp sự cố tại Ấn Độ và những nghi ngại đi kèm

Đề xuất của Nga xuất hiện trong bối cảnh dòng tiêm kích F-35B của Mỹ vừa gặp trục trặc kỹ thuật gây chú ý dư luận Ấn Độ. Giữa tháng 6, một chiếc F-35B thuộc Hải quân Hoàng gia Anh buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thiruvananthapuram do thời tiết xấu. Dù sự cố không gây thiệt hại, chiếc máy bay trị giá hàng trăm triệu USD đã nằm bất động tại đây suốt hơn 20 ngày mà không thể sửa chữa.

Mẫu F-35B của Mỹ
Mẫu F-35B của Mỹ

Giới quan sát nhận định, vụ việc này đã vô tình làm dấy lên nghi ngại về khả năng duy trì, bảo dưỡng của F-35, đặc biệt là biến thể F-35B với cơ chế cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Trong khi Mỹ nỗ lực thuyết phục Ấn Độ xem xét F-35 như một lựa chọn tiềm năng, các điều kiện kiểm soát chặt chẽ về quyền vận hành, nâng cấp và sử dụng khí tài luôn là yếu tố khiến New Delhi thận trọng.

Một số cựu lãnh đạo không quân Ấn Độ đã công khai bày tỏ quan điểm rằng nước này cần “một đối tác đáng tin cậy, không gây áp lực chính trị không cần thiết”. Chính điều này đã mở ra cơ hội để Nga tận dụng thời điểm, đưa ra gói đề nghị về Su-57 đi kèm ưu đãi công nghệ sâu – điều Washington khó lòng chấp nhận với F-35.

So sánh tính năng và triển vọng hợp tác

Dù không đạt mức tàng hình tinh vi như F-35, tiêm kích Su-57 vẫn nổi bật ở nhiều khía cạnh. Theo các chuyên gia quân sự, Su-57 có tầm bay gần gấp đôi F-35, tải trọng vũ khí lớn hơn và hệ thống cảm biến đa phổ mạnh mẽ, cho phép phát hiện, bám bắt mục tiêu trong môi trường tác chiến phức tạp.

Đặc biệt, khả năng cơ động siêu hạng nhờ động cơ vector hướng lực giúp Su-57 chiếm ưu thế trong không chiến quần vòng – một yếu tố được đánh giá phù hợp với địa hình và chiến thuật tiềm năng tại Nam Á. Bên cạnh đó, việc sản xuất nội địa hóa một tỷ lệ lớn giúp Ấn Độ chủ động duy tu, bảo dưỡng và điều chỉnh cấu hình tác chiến.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính và tiến độ triển khai dự án. Các nhà phân tích nhận định, để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất Su-57 tại Ấn Độ, New Delhi sẽ cần chuẩn bị ngân sách đáng kể và xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng, nhân lực chuyên môn phù hợp.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nga chào bán tiêm kích tàng hình Su-57 cho một quốc gia giáp Trung Quốc, bán luôn cả công nghệ sản xuất  nội địa
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO