Nâng cao vị thế nông sản Việt Nam

Cập nhật: 10:11 | 24/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhiều mặt hàng Việt đã xâm nhập và chinh phục các thị trường lớn, có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy nông sản Việt Nam đã khẳng định được vị thế, chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Giá gas hôm nay 24/6/2021: Gas thế giới bật tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh

Giá heo hơi hôm nay 24/6/2021: Giá thu mua đi xuống tại nhiều khu vực

Giá cà phê hôm nay 24/6/2021: Thị trường thế giới bứt phá mạnh mẽ

Tăng trưởng tại các thị trường "khó tính"

Thủy sản là một trong những điểm sáng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng mạnh, trong đó tập trung vào nhóm hàng tôm và cá tra. Các thị trường như EU, Trung Đông, Mỹ đang tích cực nối đơn hàng trở lại. Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm nay đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, mặt hàng rau, quả xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, năm 2021 sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện tại, vải thiều Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ, Pháp, Hà Lan, Australia…

Nâng cao vị thế nông sản Việt Nam
Nông sản Việt chinh phục thị trường "khó tính" (Ảnh minh họa)

Riêng đối với mặt hàng gạo, mặc dù lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% nhưng do giá tăng cao (11,9%) nên mặt hàng này vẫn đạt 1,49 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam chia sẻ: "Các nước nhập khẩu gạo quan tâm nhiều đến chất lượng và tính ổn định. Những năm gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Ấn Độ nhưng nhiều nước vẫn đặt mua, chứng tỏ chất lượng và tính ổn định của gạo Việt Nam được các thị trường đánh giá rất cao".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, từ việc nâng cao chất lượng, duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng đáng kể mặc dù đối diện với nhiều khó khăn như dịch bệnh trong nước và thế giới, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng ghi nhận, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng những quy chuẩn chất lượng theo nhóm tiêu chí của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là hỗ trợ việc xuất khẩu theo các đơn hàng nằm trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đối với sản xuất, quy hoạch vùng và xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn là vấn đề mang tính cốt lõi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Để nông sản Việt Nam phát huy tối đa nguồn lợi kinh tế xứng với tiềm năng xuất khẩu; đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông sản như các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, thủ tục hải quan...

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu; triển khai các giải pháp khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản gắn với thị trường tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế...

Thực tế cho thấy, sản xuất vẫn là khâu then chốt quyết định. Do vậy, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh; tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, tăng cường liên kết 6 nhà: Nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.

Cùng với đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), truy xuất nguồn gốc cũng như hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nhằm tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế; đồng thời sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện các hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thu Uyên (Tổng hợp)