Báo cáo - Phân tích

Một cổ phiếu doanh nghiệp Việt được định vị dẫn đầu ngành công nghệ khu vực ASEAN

Lê Thành 22/05/2025 14:55

Dù doanh thu ngành công nghệ thông tin toàn cầu bị điều chỉnh giảm, một doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn giữ vững đà tăng trưởng nhờ chiến lược toàn cầu hóa chủ động và đầu tư sớm vào AI.

Dù đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường kinh tế toàn cầu, Công ty CP FPT (HOSE: FPT) vẫn giữ vững nhịp tăng trưởng nhờ chiến lược mở rộng thị trường hiệu quả, kiểm soát chi phí linh hoạt và tiên phong đầu tư vào công nghệ tương lai.

fpt.jpg
VNDIRECT duy trì khuyến nghị “KHẢ QUAN” đối với cổ phiếu FPT

Trong báo cáo phân tích mới đây, VNDIRECT duy trì khuyến nghị “Khả quan” đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 146.800 đồng/cp, tương ứng tiềm năng tăng giá 16,2% so với thị giá hiện tại. Dù giá mục tiêu đã được điều chỉnh giảm do triển vọng ngành dịch vụ CNTT toàn cầu bị hạ thấp và biên lợi nhuận từ mảng AI thấp hơn kỳ vọng, nhưng FPT vẫn được đánh giá có nền tảng tài chính vững và tiềm năng tăng trưởng dài hạn tích cực.

Dịch vụ CNTT toàn cầu: Trụ cột tăng trưởng giữa thời kỳ bất định

Tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ CNTT toàn cầu tuy có chậm lại trong quý I/2025 – đạt 8.186 tỷ đồng, tăng 17% svck – nhưng vẫn cho thấy sự ổn định trong bối cảnh chi tiêu công nghệ toàn cầu đang bị siết chặt. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu của FPT, đóng góp khoảng 40% doanh thu toàn cầu, nhờ nhu cầu mạnh về chuyển đổi số, điện toán đám mây lai và AI. Đáng chú ý, tỷ giá JPY/VND thuận lợi dự kiến sẽ góp phần củng cố thêm tăng trưởng tại khu vực này. Trong khi đó, thị trường Mỹ – vốn chiếm 25% – đang đối mặt với lo ngại đình lạm và thắt chặt ngân sách, khiến FPT chuyển hướng sang các khu vực tiềm năng hơn như châu Âu, APAC và Trung Đông.

Kết quả kinh doanh quý 1/2025 và dự đoán kết quả kinh doanh cả năm 2025

Tại EU, các thương vụ M&A chiến lược giúp công ty nhanh chóng tiếp cận năng lực chuyên môn và mạng lưới khách hàng, tiêu biểu như việc mua lại David Lamm Consulting tại Đức. Tại Trung Đông, FPT đã mở văn phòng tại Ả Rập Xê Út và hợp tác liên doanh với THIQAH để cung cấp các giải pháp DX, AI và đám mây cho chính phủ và khu vực tư nhân – tận dụng làn sóng đầu tư CNTT tại khu vực MENA (ước đạt 230,8 tỷ USD năm 2025).

Tổng giá trị hợp đồng ký mới trong quý I/2025 đạt 11.505 tỷ đồng, tăng 17,2% svck, trong đó có 9 hợp đồng quy mô lớn (trên 10 triệu USD) – tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy FPT không chỉ giữ được thị phần hiện hữu, mà còn mở rộng hiệu quả sang những khu vực ít cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh như Ấn Độ.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận trước thuế mảng CNTT toàn cầu được dự báo tiếp tục cải thiện, đạt 15,8% trong 2025 và 16% trong 2026. Việc ứng dụng AI để nâng năng suất kỹ sư và tối ưu hóa nguồn lực (thay thế nhân sự cấp cao bằng đội ngũ trẻ dày kinh nghiệm trên các dự án dài hạn) sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy hiệu quả vận hành.

Tổng doanh thu FPT năm 2025 dự kiến đạt 74.354 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 9.467 tỷ đồng (+20,6%). Chỉ số P/E dự phóng năm 2025 ở mức 26,2 lần, vẫn thấp hơn trung bình ngành khu vực là 28 lần – cho thấy dư địa tăng giá còn lớn.

Mảng AI: Đòn bẩy tương lai trong bối cảnh cạnh tranh định hình lại thị trường

Bên cạnh dịch vụ CNTT truyền thống, mảng AI là yếu tố quan trọng trong chiến lược mở rộng dài hạn của FPT. Sự phát triển của DeepSeek – mô hình AI tiết kiệm chi phí – đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc chi phí và định hình lại tiêu chuẩn cạnh tranh trong ngành. Công nghệ Mixture-of-Experts và kỹ thuật Multi-head Latent Attention giúp giảm đáng kể nhu cầu sử dụng GPU cao cấp, khiến doanh thu từ hạ tầng AI ngắn hạn chịu áp lực. Nhà máy AI của FPT trong năm 2025 được dự báo chỉ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng trước đó.

Tuy nhiên, chính DeepSeek lại mở ra một hướng đi chiến lược: tạo nền tảng mô hình AI giá rẻ, hiệu quả và phù hợp với các quốc gia có yêu cầu cao về bảo mật và chi phí. FPT cho biết đang nhận được sự quan tâm từ nhiều thị trường như Malaysia, Indonesia và Đức về hợp tác xây dựng nhà máy AI. Với năng lực R&D hiện diện tại Việt Nam, Mỹ và Canada, cùng sự hậu thuẫn của đối tác lớn như NVIDIA, FPT có đủ năng lực để mở rộng quy mô hoạt động AI ra toàn cầu. Theo dự báo của VNDIRECT, mảng AI của FPT có thể tăng trưởng 30–50% mỗi năm trong 5 năm tới.

Tỷ trọng AI hiện mới chiếm 5–6% doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu của FPT, nhưng với tiềm năng tăng trưởng cao, lĩnh vực này đang được xác định là động lực chính trong giai đoạn 2026–2030. Chiến lược của FPT là phát triển dịch vụ AI “Make in FPT” – từ nền tảng, ứng dụng đến giải pháp gia công, với mức giá cạnh tranh để phục vụ các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự thay thế cho công nghệ Trung Quốc hoặc giải pháp AI giá cao từ phương Tây.

Dù chịu ảnh hưởng nhất định từ môi trường vĩ mô, FPT vẫn cho thấy năng lực “lội ngược dòng” nhờ chiến lược toàn cầu hóa chủ động, kiểm soát vận hành linh hoạt và đầu tư sớm vào các công nghệ tương lai. Mảng CNTT toàn cầu tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng hiện tại, trong khi AI sẽ là đòn bẩy chiến lược trong trung – dài hạn. Với biên lợi nhuận được duy trì, ROE vượt 24% và P/E vẫn còn hấp dẫn so với khu vực, FPT được định vị là cổ phiếu tiềm năng hàng đầu trong ngành công nghệ khu vực ASEAN, đặc biệt trong chu kỳ đầu tư mới vào chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo toàn cầu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Một cổ phiếu doanh nghiệp Việt được định vị dẫn đầu ngành công nghệ khu vực ASEAN
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO