Loại quả được xem là "vị cứu tinh" của người tiểu đường: Thanh Hóa trồng nhiều nhất cả nước
Tưởng là kẻ thù của người tiểu đường nhưng loại quả quen thuộc này lại có khả năng bảo vệ tim, thận và hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Trong thế giới trái cây nhiệt đới, dứa là cái tên quen thuộc, thơm lừng và hấp dẫn trên bàn ăn của hàng triệu gia đình Việt. Nhưng cũng chính vì vị ngọt thanh đặc trưng, loại quả này thường bị "gắn mác" là không phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hoặc những ai đang theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Thực tế, đây lại là một trong những loại trái cây hiếm hoi có thể trở thành “cứu tinh” cho người có chỉ số đường huyết cao, nếu biết ăn đúng cách.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dứa chứa lượng đường tự nhiên ở mức trung bình (GI ~ 59), giàu vitamin B1, chất xơ và nước, giúp kiểm soát cơn đói, no lâu và tránh tăng đường huyết đột ngột. Dùng dứa tươi – không thêm đường, không qua chế biến như sấy hay đóng hộp còn hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng do tiểu đường, nhất là các tổn thương thần kinh hoặc mạch máu.
Tuy nhiên, như với mọi thực phẩm “hai mặt”, dứa chỉ tốt nếu bạn hiểu rõ giới hạn của mình và tiêu thụ đúng cách.
Không chỉ cho người tiểu đường: Dứa còn “chăm” tim, thận và xương
Ngoài khả năng ổn định đường huyết, dứa còn là “kho chống oxy hóa” tự nhiên với nhiều hợp chất như flavonoid, phenolic và vitamin C – các thành phần nổi bật trong công cuộc phòng chống ung thư. Những chất này giúp trung hòa gốc tự do, hỗ trợ cơ thể chống lại sự phát triển của các tế bào ác tính, đồng thời tăng cường miễn dịch và chống viêm.

Đặc biệt với bệnh nhân suy thận, dứa lại là một lựa chọn lý tưởng bởi hàm lượng kali, natri và photpho thấp – khác hẳn với những loại trái cây giàu kali như chuối, cam hay dưa hấu. Ngoài việc an toàn cho người suy thận mạn, dứa còn giúp làm sạch thận nhờ đặc tính chống viêm và lợi tiểu nhẹ, hỗ trợ loại bỏ độc tố trong cơ thể.
Một điểm cộng khác là dứa chứa hàm lượng mangan cao – khoáng chất cần thiết cho sự phát triển xương, phòng ngừa loãng xương và hỗ trợ chuyển hóa năng lượng. Một ly nước ép dứa mỗi ngày có thể cung cấp tới 70% lượng mangan khuyến nghị, rất phù hợp cho người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh và thanh thiếu niên trong độ tuổi phát triển.
Tăng cường tiêu hóa, bảo vệ tim mạch
Điểm đặc biệt khiến dứa trở nên khác biệt là enzyme bromelain – một loại men thủy phân protein tự nhiên có nhiều tác dụng quý. Bromelain không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thu protein dễ dàng hơn, mà còn có khả năng chống viêm, làm loãng máu, giảm đau xương khớp và điều hòa huyết áp.
Nhiều nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng bromelain có thể giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đồng thời, vitamin C trong dứa giúp làm sạch thành mạch, giảm xơ vữa động mạch và tăng tính đàn hồi của hệ tuần hoàn. Nhờ đó, dứa là loại quả lý tưởng cho những ai quan tâm đến sức khỏe tim mạch, từ người trẻ vận động nhiều cho đến người lớn tuổi cần kiểm soát huyết áp.

Không phải ai cũng hợp với dứa: Hai nhóm người cần cẩn trọng
Dù tốt cho sức khỏe, dứa không phù hợp với tất cả mọi người. Những ai bị viêm loét dạ dày, lở miệng hay có vấn đề về khoang miệng nên tránh loại quả này vì dứa chứa nhiều axit hữu cơ và enzyme có thể kích ứng niêm mạc, gây cảm giác tê rát lưỡi, cổ họng và làm trầm trọng thêm các vết loét.
Ngoài ra, với những người có cơ địa dị ứng, bromelain trong dứa có thể là “kẻ khơi mào” cho phản ứng histamin trong cơ thể. Các biểu hiện thường gặp là ngứa ngáy, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn, hoặc nặng hơn là sốc phản vệ. Với nhóm người này, chỉ nên ăn dứa với lượng rất nhỏ, và tốt nhất là cần có chỉ dẫn y tế rõ ràng nếu muốn đưa dứa vào khẩu phần ăn thường xuyên.
Ăn dứa đúng cách để phát huy tối đa lợi ích
Để tận dụng công dụng của dứa mà không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, bạn nên:
Ăn dứa tươi, không thêm đường, không ngâm muối
Tránh dứa sấy, dứa đóng hộp vì chứa nhiều đường và phụ gia
Nên ăn sau bữa chính, không ăn lúc đói hoặc sát giờ đi ngủ
Bảo quản lạnh đúng cách, gọt bỏ mắt kỹ trước khi sử dụng
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người đang dùng thuốc chống đông máu, dứa nên được dùng với liều lượng vừa phải và có sự tư vấn của bác sĩ nếu cần thiết.