Loại Nhật Bản, chọn công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc, chuyên gia lên tiếng: “Cần cân nhắc kỹ càng”
Nhiều quốc gia đã không chọn Nhật Bản, thay vào đó ưu tiên công nghệ Trung Quốc làm đường sắt cao tốc.

Shinkansen: Tượng đài công nghệ nhưng thất thế ở thị trường quốc tế
Năm 2024 đánh dấu 60 năm shinkansen Nhật Bản – biểu tượng của ngành đường sắt cao tốc thế giới. Mạng lưới shinkansen kết nối từ Kyushu đến Hokkaido, vận chuyển hơn 1 triệu hành khách/ngày mà chưa từng xảy ra sự cố nghiêm trọng. Thiết kế khí động học tối ưu với đầu tàu hình viên đạn, hệ thống kiểm soát tự động, đường ray chuyên dụng, công nghệ giảm rung lắc... đã làm nên thương hiệu tốc độ và an toàn gần như tuyệt đối cho Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xuất khẩu shinkansen ra nước ngoài không hề dễ dàng. Nguyên nhân chính nằm ở chi phí đầu tư rất cao và yêu cầu xây dựng hệ thống trọn gói – từ đường ray, đoàn tàu, trung tâm điều hành đến hệ thống CNTT. Công nghệ Nhật không thể mua lẻ từng phần hay tích hợp vào mạng lưới sẵn có, dẫn đến thiếu linh hoạt. Nhiều dự án đã đàm phán xong nhưng cuối cùng đổ vỡ do các nước đối tác lo ngại gánh nặng tài chính.
Một số quốc gia cũng e ngại rằng mức độ kỹ thuật cao của shinkansen vượt quá nhu cầu thực tế. Trong khi Nhật Bản thiết kế hệ thống để đối phó với địa hình phức tạp, động đất, bão tuyết... thì nhiều nước đang phát triển lại không cần đến các tính năng này, nhất là khi kèm theo chi phí khổng lồ.
Đài Loan là trường hợp hiếm hoi thành công với công nghệ shinkansen Nhật Bản, khi từ năm 2007, Đường sắt cao tốc Đài Loan (THSR) đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội và hạ tầng giao thông của đảo này.
Đông Nam Á nghiêng về công nghệ Trung Quốc
Trong khi Nhật Bản gặp khó, đường sắt cao tốc Trung Quốc (HSR Trung Quốc) lại ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Theo Nikkei Asia, Indonesia từng dự định hợp tác với Nhật để phát triển tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung. Nhưng cuối cùng, vào năm 2015, nước này đã chọn đề xuất của Trung Quốc vì tổng chi phí thấp hơn, tiến độ thi công nhanh hơn. Đến 2023, tuyến cao tốc đầu tiên Đông Nam Á theo tiêu chuẩn Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống chỉ 40 phút.

Tương tự, Thái Lan ban đầu cũng hợp tác với Nhật trong các dự án đường sắt cao tốc. Song, vào 2018, nước này chuyển hướng, chọn công nghệ Trung Quốc cho tuyến cao tốc Bangkok – Nakhon Ratchasima. Lý do được cho là Trung Quốc chấp nhận điều kiện tài chính linh hoạt hơn và cam kết tiến độ phù hợp với kế hoạch hạ tầng quốc gia của Thái Lan.
Dù công nghệ Trung Quốc được ưa chuộng nhờ giá thành cạnh tranh, tiến độ nhanh, song các chuyên gia quốc tế, trong đó có đại diện từ Đài Loan (nơi thành công với công nghệ shinkansen) cảnh báo: “Mỗi khu vực cần cân nhắc kỹ càng giữa chi phí, nhu cầu kỹ thuật và khả năng duy trì vận hành lâu dài khi chọn công nghệ đường sắt cao tốc”.
Việc ưu tiên giá rẻ đôi khi có thể đi kèm rủi ro về bảo trì, an toàn và khả năng tích hợp vào mạng lưới giao thông hiện hữu.