Làm thế nào để hạn chế những sai phạm, gian lận trong chi trả tiền hoa hồng bảo hiểm?

Cập nhật: 10:37 | 13/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Liên tiếp hai vụ sai phạm trong việc chi trả hoa hồng được cơ quan điều tra công bố trong tháng 10 vừa qua, với số tiền gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng.

Cụ thể, trong tháng 10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố hai vụ việc liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm, cách thức vi phạm khá giống nhau, đó là chuyển hợp đồng khai thác thành hợp đồng đại lý khai thác để hưởng hoa hồng, tiền hỗ trợ, gây thiệt hại cho công ty.

Làm thế nào để hạn chế những sai phạm, gian lận trong chi trả tiền hoa hồng bảo hiểm?
Hình minh họa.

Được biết, sai phạm liên quan đến việc chi trả hoa hồng, hay bồi thường bảo hiểm đã tồn tại từ rất lâu trong ngành bảo hiểm. Hồi năm 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Viết Lượng (nguyên Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Chi nhánh Cà Mau) và Nguyễn Văn Hoàng Nam (anh vợ của Lượng) về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, Lượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Công ty khi bồi thường 30 hồ sơ bảo hiểm, với tổng số tiền trên 890 triệu đồng trong giai đoạn từ năm 2002 - 2005.

Trước đó, cơ quan điều tra đã kiểm tra hồ sơ bồi thường bảo hiểm thì phát hiện Ban giám đốc chi nhánh này có dấu hiệu lập hồ sơ bồi thường khống để lấy tiền chia nhau hơn 500 triệu đồng. Riêng ông Lượng có dấu hiệu ăn chặn tiền bảo hiểm của khách hàng, kê khống để rút hàng tỷ đồng…

Đánh giá về tình trạng sai phạm, gian lận trong chi trả hoa hồng tại công ty bảo hiểm, theo luật sư Trương Minh Cát Nguyên - CEO TILA Finance cho biết, “thực tế này từng xảy ra từ 10 năm trước”.

Ông Trương Minh Cát Nguyên cho biết, nhận thấy những kẻ hở trong chính sách chi trả hoa hồng mà nhân viên công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể lợi dụng hòng tư lợi, ông từng có văn bản đề nghị chuyển bộ phận kinh doanh hưởng lương của công ty thành đại lý hưởng hoa hồng và hỗ trợ khai thác, tương tự như mô hình tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Các nhân sự này giao về các doanh nghiệp tổng đại lý bảo hiểm ký hợp đồng lao động và trả lương, tách rời mảng kinh doanh và mảng dịch vụ bồi thường bảo hiểm. Tại các chi nhánh công ty bảo hiểm tại các tỉnh, thành phố, chỉ có bộ phận bồi thường bảo hiểm được hưởng lương do công ty bảo hiểm trả, còn bộ phận kinh doanh thì chuyển thành các công ty đại lý (đại lý tổ chức). Tuy vậy, lúc bấy giờ, đề nghị của ông không được phía công ty bảo hiểm chấp nhận.

Hiện tại, ông Nguyên tiếp tục bảo lưu đề xuất trên “cho đến khi nào công ty bảo hiểm hết xảy ra chuyện lợi dụng các quy định về việc các đại lý được thanh toán tiền hoa hồng, tiền hỗ trợ”.

Ghi nhận quan điểm của nhiều đại lý bảo hiểm, để hạn chế những sai phạm, gian lận trong chi trả tiền hoa hồng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm như đã xảy ra gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chặt chẽ hơn trong khâu tuyển dụng cũng như quản lý hoạt động của các đại lý.

“Cần chặt chẽ hơn trong việc tuyển đại lý. Khi ứng tuyển làm đại lý, phải nộp sơ yếu lý lịch nhân thân rõ ràng. Đại lý phải được tham gia đào tạo và có hợp đồng hợp tác thể hiện rõ ràng các thông tin như họ tên, năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, để tránh việc cán bộ bảo hiểm tạo ra những tài khoản cấp đơn cho đại lý ảo nhằm mục đích trục lợi”, đại lý bảo hiểm Nguyễn Quyết nêu quan điểm.

Ông Quyết nhấn mạnh, đại lý bảo hiểm phải có tài khoản ngân hàng, tài khoản của đại lý phải phát sinh các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản công ty bảo hiểm để nộp phí bảo hiểm thì công ty bảo hiểm mới thanh toán hoa hồng.

Thực tế được nhiều công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thừa nhận, ở nhiều công ty bảo hiểm có tình trạng tuyển dụng đại lý, cộng tác viên theo hình thức “thỏa thuận miệng”, chính sách hoa hồng, chi phí hỗ trợ cũng “thỏa thuận miệng”.

“Nếu các công ty bảo hiểm quản lý chặt, nắm rõ các thông tin của đại lý thì cán bộ của công ty khó có thể tạo ra những đại lý ảo được”, một đại lý khẳng định.

Về nguyên tắc, đại lý bảo hiểm, dù hoạt động dưới hình thức cá nhân hay tổ chức, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ, đều phải qua đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề và phải có hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm. Nhưng thực tế, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện vẫn sử dụng chủ yếu đội ngũ cộng tác viên, thoả thuận miệng về việc hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm với nhân viên, hoặc cán bộ công ty bảo hiểm. Lực lượng cộng tác viên này đông đảo, được coi là “cần câu cơm” của các công ty bảo hiểm, nhưng lại không có liên quan gì với công ty bảo hiểm về mặt giấy tờ.

Cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng vay tiền

Theo Thông tư 6/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Nhằm hạn chế tình trạng ép khách hàng vay vốn ngân hàng mua bảo hiểm kèm khoản vay, Bộ Tài chính cấm các nhà băng không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trước và sau giải ngân 60 ngày.

Thông tư này có nhiều điểm mới được bổ sung, đặc biệt là việc hoàn thiện hơn các quy định về đại lý bảo hiểm, kỳ vọng sẽ hỗ trợ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Cụ thể, Thông tư 67 quy định ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Quy định này được Bộ Tài chính đưa ra sau nhiều người dân phản ánh bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh quy định về hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đưa thêm nhiều ràng buộc với đại lý tư vấn bảo hiểm nói chung.

Chẳng hạn, trong quá trình tư vấn, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên của đại lý tổ chức phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về sản phẩm, sử dụng tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp.

Riêng đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu thêm phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm này.

Thông tư 67 cũng quy định, trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, sử dụng các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp.

Bên cạnh đó, thông tư này bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm. Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước khi quyết định giao kết hợp đồng.

Thời gian cân nhắc 21 ngày tham gia bảo hiểm được xác định kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu nêu trên.

Ngoài ra, Thông tư 67 cũng bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bancasurance.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát và kiểm tra định kỳ, đảm bảo chất lượng giới thiệu, tư vấn sản phẩm của nhân viên. Hãng bảo hiểm cũng phải kịp thời phối hợp với tổ chức đại lý để kiểm tra, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm và xử lý vi phạm nếu có.

Đại lý bảo hiểm phải ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm phức tạp

Đó là quy định mới trong Thông tư 67 vừa được Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể, đối với các sản phẩm bảo hiểm ...

Bổ sung quy định giúp hỗ trợ bán bảo hiểm qua ngân hàng lành mạnh

Nhằm hỗ trợ bán bảo hiểm qua ngân hàng một cách lành mạnh, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng ...

Khánh Linh

Tin liên quan