Giải trí

Kinh điển trận chung kết Europa League 2025 giữa MU và Tottenham: Một trận cầu – Nghìn tỷ đồng chuyển động

Chiến Thắng 21/05/2025 23:01

Trận chung kết Europa League 2025 giữa MU và Tottenham không chỉ là cuộc chiến danh hiệu giữa hai đội bóng Anh, mà còn là thương vụ kinh tế lớn mùa giải.

Khi tiếng còi khai cuộc vang lên giữa Manchester United (MU) và Tottenham, cũng là lúc hàng nghìn tỷ đồng bắt đầu được vận hành – trên sân, trên sóng truyền hình, trong các khách sạn, sòng cá cược và cả sàn tài chính.

MU Tottenham chung kết Europa League 2025
Cả Manchester United và Tottenham đều hiểu rằng, một đêm huyền diệu tại Bilbao có thể “kéo lại” cả mùa giải

Từ cuộc thư hùng trên sân… đến siêu sự kiện thương mại ngoài sân cỏ

Rạng sáng 22/5 (giờ Việt Nam), sân San Mamés – biểu tượng bóng đá xứ Basque (Bilbao) chính thức trở thành tâm điểm châu Âu khi đón tiếp hơn 50.000 khán giả cho trận chung kết Europa League 2025 giữa MU và Tottenham. Nhưng con số khán giả đó chỉ là phần nổi. Phía sau, còn hàng triệu người theo dõi qua truyền hình và nền tảng số tại hơn 200 quốc gia biến trận cầu này thành một “siêu sản phẩm” thương mại của bóng đá hiện đại.

Không còn là chuyện bàn thắng hay chiến thuật đơn thuần, cuộc đối đầu giữa hai đội bóng xếp thứ 16 và 17 Ngoại hạng Anh bỗng trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Lý do? Đây là tấm vé danh dự cuối cùng để vào Champions League mùa tới, nơi tiền thưởng, tài trợ, bản quyền truyền hình cao gấp nhiều lần. Và xa hơn thế, nó là cơ hội để định nghĩa lại một mùa giải tưởng như đã thất bại cả về chuyên môn lẫn tài chính.

Sự xuất hiện của hàng vạn CĐV Anh đổ về thành phố nhỏ bé vùng Basque khiến giá phòng khách sạn tăng gấp 3–4 lần. Các chuyến bay charter từ London và Manchester kín chỗ. Hàng quán địa phương kéo dài giờ phục vụ, thậm chí phải thuê thêm nhân lực thời vụ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong… 90 phút bóng lăn.

Theo ước tính từ Sở Du lịch xứ Basque, trận chung kết C2 năm nay có thể mang về cho Bilbao từ 25 đến 35 triệu euro doanh thu trực tiếp, một con số không tồi cho một thành phố chỉ có hơn 340.000 dân. Trái bóng tròn, một lần nữa, chứng minh khả năng kích hoạt tiêu dùng mạnh hơn cả lễ hội văn hóa.

Tại châu Âu, Europa League không phải là sân chơi danh giá nhất, nhưng trận chung kết luôn là “chiếc bánh bản quyền” được chia với giá cao. UEFA đã bán bản quyền phát sóng cho hơn 200 đài truyền hình toàn cầu. Các nhà đài lớn như TNT Sports (Anh), DAZN (Đức), Amazon Prime (Pháp) tranh nhau mua sóng bởi họ biết: Quảng cáo trong đêm chung kết luôn được trả giá cao nhất mùa.

Ở bên kia thị trường, các sàn cá cược thể thao cũng ghi nhận lượng đặt cược cao gấp đôi trận bán kết. Chỉ trong 1 ngày, tổng giá trị giao dịch cá cược toàn cầu quanh trận MU – Tottenham được ước tính vượt 1,5 tỷ USD, trải dài từ tỷ số, số bàn thắng, thẻ vàng cho đến… người đá phạt góc đầu tiên. Dòng tiền chảy mạnh đến mức, ở góc độ vĩ mô, nó xứng đáng được gọi là một thị trường tài chính thu nhỏ.

cúp c2
Chiến thắng không chỉ là cúp bạc mà còn là bước đệm cho các hợp đồng tài trợ mới, tăng doanh thu bán áo đấu...

Thương hiệu và cổ phiếu: Người thắng sẽ không chỉ có cúp

Manchester United và Tottenham, hai đội bóng với hình ảnh thương hiệu toàn cầu hiểu rằng, một đêm tại Bilbao có thể “kéo lại” cả mùa giải. Với MU, đây là cơ hội để tránh một mùa trắng tay kéo dài sang năm thứ hai liên tiếp. Với Tottenham, đó là lời hứa với các nhà tài trợ và các đối tác chiến lược đã rót tiền vào sân vận động mới.

Và đằng sau các giá trị biểu trưng ấy, là những con số thật: MU có giá trị thương hiệu hơn 1,4 tỷ USD theo Brand Finance. Công Tottenham với sân đấu hiện đại, mô hình thương mại đa ngành (tổ chức concert, NFL, esports…) đang định hình mình như một “Real Madrid kiểu Anh”.

Chiến thắng không chỉ là cúp bạc mà còn là bước đệm cho các hợp đồng tài trợ mới, tăng doanh thu bán áo đấu, tăng lượng follow mạng xã hội từ đó kéo theo… tăng giá trị định giá doanh nghiệp. Nếu cổ phiếu MU còn được niêm yết như trước kia, thì đêm Bilbao có thể là một “catalyst” khiến giá cổ phiếu bật tăng mạnh trong ngắn hạn.

Đêm chung kết MU – Tottenham có thể kết thúc bằng những giọt nước mắt hoặc tiếng hò reo. Nhưng sau tất cả, giá trị lớn nhất của nó nằm ở khả năng tạo ra hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ, tái định nghĩa một mùa giải, một thương hiệu, thậm chí một chiến lược kinh doanh.

Và với những người làm kinh tế – tài chính, trận đấu ấy là một case study quý giá. Bởi vì trong bóng đá hiện đại, đôi khi bàn thắng đẹp nhất không nằm ở khung thành, mà nằm trên báo cáo tài chính.

Khi bóng đá là tài sản tài chính: Việt Nam học được gì?

Câu hỏi đặt ra: vì sao các CLB Anh làm được còn phần lớn CLB Việt Nam thì không? Câu trả lời nằm ở cách họ vận hành như một doanh nghiệp giải trí – thể thao – tài chính. Một CLB như MU có:

- Doanh thu matchday, broadcasting, sponsorship

- Tài sản hữu hình: sân vận động, học viện đào tạo, cửa hàng merchandise

- Tài sản vô hình: thương hiệu, bản quyền hình ảnh, giá trị cộng đồng.

Đặc biệt, họ có chiến lược dài hạn và khả năng “chuyển hóa” thành quả thể thao thành giá trị tài chính thực thụ. Đây là điều mà các CLB Việt đang thiếu khi đa số vẫn sống nhờ bầu sữa của ông bầu, thay vì tự thân tạo ra dòng tiền.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Kinh điển trận chung kết Europa League 2025 giữa MU và Tottenham: Một trận cầu – Nghìn tỷ đồng chuyển động
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO