Khối ngân hàng tăng tốc, loạt doanh nghiệp báo lãi đậm trong tuần vừa qua
Lợi nhuận quý II/2025 của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, phản ánh xu hướng phục hồi rõ nét của tín dụng và sản xuất.
Tâm điểm ngành ngân hàng
Tâm điểm kết quả kinh doanh trên thị trường tuần vừa qua hướng đến nhóm ngân hàng – nơi một loạt tên tuổi lớn ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.

Techcombank công bố lợi nhuận trước thuế quý II đạt 7.898 tỷ đồng, đánh dấu mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử ngân hàng này. Dù tăng nhẹ 0,92% so với cùng kỳ, kết quả này phần nào cho thấy đà phục hồi sau quý đầu năm trầm lắng. Tuy vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank vẫn giảm 3%, đạt 15.135 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác cũng lần đầu tiên ghi nhận quý kinh doanh vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng là ACB, với lợi nhuận quý II đạt 6.093 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế nửa đầu năm, ACB đạt 10.690 tỷ đồng, tăng gần 2% – vừa đủ để gia nhập nhóm những nhà băng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

Ấn tượng nhất là VPBank khi báo lãi 6.215 tỷ đồng trong riêng quý II, tăng tới 38% so với cùng kỳ. Tổng cộng, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã lên tới 11.229 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ 2024 – mức tăng cao nhất trong nhóm ngân hàng dẫn đầu.
Không chỉ các “ông lớn”, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận bước tiến mạnh. Lợi nhuận sau thuế của NCB trong 6 tháng đầu năm ước đạt 462 tỷ đồng – một con số vượt xa so với mức 6 tỷ đồng cùng kỳ. Tại KienlongBank, quý II ghi nhận 451 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 68% so với cùng kỳ; lũy kế nửa đầu năm đạt 736 tỷ đồng, tăng 67%.
Sự tăng trưởng của khối ngân hàng diễn ra trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) tiếp tục co hẹp do lãi suất cho vay giảm từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng tăng cao đã trở thành lực đẩy bù đắp cho lợi nhuận. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối 2024 và gấp 2,5 lần tốc độ cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý II cho thấy, Techcombank, VPBank, ACB, LPBank, KienlongBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng từ 9–19%, góp phần đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% toàn ngành trong năm 2025 tiến gần hiện thực.
Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cũng đón nhận kết quả tích cực
Bên cạnh nhóm ngân hàng, quý II/2025 cũng chứng kiến sự trở lại của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu với những con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Đáng chú ý nhất là Công ty CP Nam Việt (Navico) khi từ mức lỗ hơn 2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, quý II năm nay đã chuyển sang lãi ròng 333 tỷ đồng. Doanh thu tăng 45% lên 1.726 tỷ đồng, trong khi biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 12,4% lên 28,2% – giúp doanh nghiệp ghi nhận quý kinh doanh “bẻ lái” ấn tượng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Navico đạt 2.832 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 465 tỷ đồng – tăng gấp 31 lần so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành hơn một nửa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng trong năm 2025, và kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng lên 1.200 tỷ đồng vào 2026, 1.400 tỷ đồng vào 2027.

Cùng với Navico, hàng loạt doanh nghiệp khác như Gelex (GEX), FPT Telecom (FOX), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), BAF Việt Nam (BAF), TNG, Hòa Thọ (HTG) cũng ghi nhận quý lãi cao kỷ lục. Trong đó, nhóm nhựa và dệt may đang hưởng lợi từ xu hướng giảm giá nguyên liệu và nhu cầu hồi phục tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU.
Đối với FPT Telecom, tốc độ mở rộng thuê bao và gia tăng dịch vụ giá trị gia tăng tiếp tục đóng góp đáng kể vào biên lợi nhuận. Trong khi đó, GEX ghi nhận kết quả tích cực từ mảng thiết bị điện và hạ tầng – hai mảng chủ lực đang phục hồi cùng với đầu tư công.
Tập đoàn PAN (PAN) cũng tiếp tục thể hiện sự ổn định với doanh thu thuần quý II đạt 4.064 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 140 tỷ đồng – tăng tới 65%. Luỹ kế 6 tháng, PAN đạt 8.184 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 459 tỷ đồng và lãi ròng 248 tỷ đồng – lần lượt tăng 22% và 40% so với cùng kỳ.
Tập đoàn này hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường thực phẩm chế biến và thủy sản – hai lĩnh vực cốt lõi cùng với khả năng kiểm soát chi phí và dòng tiền hiệu quả.
Dù phần lớn doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng tích cực, vẫn có những cái tên cho thấy dấu hiệu đi ngược xu hướng chung. Sabeco (SAB) – doanh nghiệp đầu ngành bia công bố kết quả kinh doanh quý II sụt giảm đáng kể với doanh thu đạt 6.804 tỷ đồng, giảm 16% và lợi nhuận sau thuế còn 1.251 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu giảm 17% còn 12.615 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 12,5% xuống 2.050 tỷ đồng.
Nguyên nhân theo giải trình của Sabeco đến từ sự sụt giảm sản lượng do thời điểm Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 năm nay (so với tháng 2 năm ngoái), cạnh tranh khốc liệt trong ngành và ảnh hưởng của việc hợp nhất Sabibeco – khiến thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh. Bên cạnh đó, thu nhập tài chính giảm và chi phí tài chính tăng do thương vụ M&A cũng là yếu tố kéo lùi lợi nhuận.