Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/7: Tiền nhỏ gửi ở đâu để lãi to?
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục phân hóa theo kỳ hạn và điều kiện gửi, mang đến nhiều lựa chọn đáng cân nhắc cho người gửi tiền cá nhân.
Ngày 22/7, thị trường tiền gửi tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mạnh về mặt bằng lãi suất giữa các ngân hàng và các kỳ hạn. Trong khi mặt bằng lãi suất phổ biến vẫn xoay quanh mức 4,5-6%/năm thì nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất đặc biệt cao từ 6,5% đến gần 10%/năm cho nhóm khách hàng có số dư tiền gửi lớn - thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Cuộc đua lãi suất bước vào vùng "cao không tưởng"
Tính đến ngày 22/7, ABBank đang niêm yết mức lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường, lên tới 9,65%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho khách hàng cá nhân mở mới hoặc tái tục khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, với điều kiện khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên. Đây là mức lãi suất hiếm gặp trong hệ thống ngân hàng, dành riêng cho các khách hàng siêu giàu hoặc tổ chức có lượng tiền nhàn rỗi lớn.
PVcomBank cũng áp dụng mức lãi suất lên tới 9%/năm cho kỳ hạn 12–13 tháng, nhưng chỉ áp dụng cho hình thức gửi tại quầy. Điều kiện đi kèm là khách hàng phải duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Tại HDBank, lãi suất cao nhất hiện là 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, dành cho khách hàng có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.
Một số ngân hàng khác cũng triển khai chương trình lãi suất đặc biệt. Vikki Bank đang áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, với điều kiện số tiền gửi tối thiểu 999 tỷ đồng. IVB áp dụng mức 6,15%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, nhưng yêu cầu khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng.
ACB hiện niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, với điều kiện số dư từ 200 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, tại LPBank, khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng sẽ được hưởng lãi suất 6,5%/năm nếu lĩnh lãi cuối kỳ, 6,3%/năm nếu lĩnh lãi hàng tháng và 6,07%/năm nếu lĩnh lãi đầu kỳ.
Gửi tiết kiệm lãi cao không còn là đặc quyền của “đại gia”
Bên cạnh các gói tiền gửi yêu cầu số dư đặc biệt lớn, nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất hấp dẫn trên 6%/năm cho khách hàng cá nhân thông thường, không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu cao.
Cake by VPBank hiện áp dụng lãi suất 6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng, bao gồm cả hình thức gửi online và gửi tự động.
Tại BVBank, khách hàng gửi kỳ hạn 60 tháng được hưởng lãi suất 6,1%/năm, còn kỳ hạn 48 tháng là 6,0%/năm. HDBank hiện niêm yết lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, không đi kèm điều kiện đặc biệt.
VietABank duy trì mức 6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, trong khi Bac A Bank áp dụng mức tương tự cho kỳ hạn 18 đến 36 tháng, áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hay dài?
Ở kỳ hạn 1 tháng, VietBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,10%/năm. Theo sau là CBBank với 4,05% và Indovina Bank ở mức 4,00%.
Với kỳ hạn 3 tháng, VietBank tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 4,40%/năm, trong khi Bảo Việt áp dụng 4,35% và Indovina Bank là 4,30%.
Tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng Bảo Việt đang niêm yết mức lãi suất cao nhất 5,45%/năm, bằng với ABBank và VietBank - cả hai đều áp dụng 5,40%/năm.
Với kỳ hạn 9 tháng, Bảo Việt và ABBank cùng áp dụng 5,50%/năm, cao nhất trong nhóm, tiếp theo là Bắc Á Bank ở mức 5,45%.
Kỳ hạn 12 tháng hiện ghi nhận lãi suất cao nhất ở mức 5,80%/năm được áp dụng tại Bảo Việt và VietBank. ABBank và MBV đứng ngay sau với mức 5,70%/năm.
Ở kỳ hạn 18 tháng, HDBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất thị trường là 6,10%/năm, GPBank giữ ở mức 6,00% và Public Bank là 5,95%.
Với kỳ hạn 24 tháng, BVBank áp dụng mức cao nhất là 5,95%/năm. Một số ngân hàng khác cũng đang niêm yết mức 5,90%/năm bao gồm MBV, Bảo Việt, VietBank và Bắc Á Bank.
Hiện tại, mức lãi suất cao nhất thị trường đang được ghi nhận tại Eximbank với 6,80%/năm khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, Timo by BVBank cũng đang áp dụng mức 6,30%/năm cho kỳ hạn tương tự khi gửi tại quầy.