Hướng dẫn cách tính thuế mới, dễ hiểu, dễ áp dụng cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ phải tính và nộp thuế theo quy định mới.
Từ ngày 01/6/2025, chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ có một số thay đổi quan trọng, thể hiện rõ định hướng quản lý thuế ngày càng chặt chẽ, minh bạch và hiện đại của Nhà nước. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng, việc nắm rõ các quy định mới sẽ giúp hộ kinh doanh chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, ổn định.

Nguyên tắc tính thuế
Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan, việc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
- Trường hợp kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân hoặc hộ gia đình, mức doanh thu này được xác định cho một người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.
- Các hộ kinh doanh phải tự kê khai, tính thuế chính xác, trung thực, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ thuế.
Như vậy, từ ngày 01/6/2025, chỉ những hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng mới thuộc diện phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Phương pháp nộp thuế
Từ ngày 01/6/2025, hộ kinh doanh nhỏ lẻ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc diện phải nộp thuế sẽ phải xác định phương pháp nộp thuế phù hợp với mô hình hoạt động của mình. Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hiện có ba phương pháp nộp thuế chính: phương pháp kê khai, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh và phương pháp khoán.
1. Phương pháp kê khai
Đây là phương pháp nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo tháng hoặc quý. Đối tượng áp dụng là:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn;
- Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nguyện vọng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
2. Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh
Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh lại thích hợp với cá nhân kinh doanh không thường xuyên hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định. Khi phát sinh hoạt động kinh doanh, cá nhân sẽ tự khai và nộp thuế tương ứng với doanh thu của từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế. Thời hạn nộp thuế đối với phương pháp này là chậm nhất 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
3. Phương pháp khoán
Phương pháp khoán hiện vẫn đang được áp dụng đối với hộ kinh doanh có tính chất ổn định, doanh thu không biến động lớn và không thuộc các trường hợp nêu trên.
Theo phương pháp này, cơ quan thuế sẽ xác định mức doanh thu khoán và tỷ lệ thuế để tính ra số thuế phải nộp định kỳ.
Tuy nhiên, theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Nghị quyết 198/2025/QH15, phương pháp khoán sẽ từng bước bị loại bỏ.
Cụ thể, từ ngày 01/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ không còn được áp dụng phương pháp khoán, mà phải sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính kết nối với cơ quan thuế. Từ ngày 01/01/2026, phương pháp khoán sẽ chính thức bị xóa bỏ hoàn toàn, chuyển sang phương thức quản lý thuế hiện đại hơn.
Cách tính số thuế phải nộp
Việc tính số thuế phải nộp được thực hiện theo công thức:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT × Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN × Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó, doanh thu tính thuế bao gồm toàn bộ số tiền thu được mà hộ kinh doanh được hưởng từ bán hàng, cung ứng dịch vụ, tiền hoa hồng, tiền thưởng, chiết khấu, hỗ trợ, phụ phí, bồi thường... Không phân biệt đã thu hay chưa thu tiền.
Tỷ lệ thuế áp dụng được quy định cụ thể tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC, tùy theo ngành nghề kinh doanh (ví dụ: buôn bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống, sửa chữa, vận tải…).
Thời hạn nộp thuế
Thời hạn nộp thuế cũng có sự phân biệt theo phương pháp nộp thuế.
- Đối với hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai: Thời hạn nộp thuế là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (tháng hoặc quý). Nếu có khai bổ sung, thì thời hạn nộp thuế được tính theo kỳ phát sinh sai sót.
- Đối với hộ nộp thuế theo từng lần phát sinh: Theo luật định, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Việc chuyển đổi từ phương pháp khoán sang phương pháp kê khai và sử dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần chủ động nắm bắt thông tin, lựa chọn phương pháp nộp thuế phù hợp và tuân thủ đúng quy định để tránh các rủi ro pháp lý, đồng thời khẳng định vai trò và trách nhiệm công dân trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nền tài chính quốc gia ổn định, bền vững, phục vụ tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới