Hơn 30 dự án đang "mắc kẹt": HoREA kiến nghị gấp

Cập nhật: 16:19 | 29/07/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa cho biết, trong tổng số hơn 150 dự án thuộc diện rà soát pháp lý hiện vẫn còn hơn 30 dự án vẫn chưa thể tiếp tục rà soát tiến tới vận hành trở lại...

HoREA cho biết: “Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh”, đại diện HoREA nhấn mạnh.

hon 30 du an dang mac ket horea kien nghi gap
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Hiệp hội đề xuất, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Thị trường bất động sản TP. HCM trong 7 tháng đầu năm 2019 đã sụt giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Cùng với đó, việc nhiều dự án vị ngưng trệ khiến kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 46,08% dự toán thu cả năm, tưng ứng với là 133.744 tỷ đồng. Số thu tiền sử dụng đất tiếp tục xu thế sụt giảm, giảm đến khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tổng số tiền nợ thuế tại thành phố lên đến 13.545 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng khoản nợ thuế liên quan đến đất đai là 3.401 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng số nợ thuế, tăng 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.

HoREA kiến nghị sớm xem xét giải quyết một số vướng mắc, ách tắc đối với các dự án nhà ở thương mại để khai thông thị trường bất động sản.

Về ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại: HoREA đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thụ lý, giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do “nhà đầu tư” dự án đề xuất, sau khi đã có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các thủ tục về quyền sử dụng đất dự án.

Về ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không có 100% đất ở, Hiệp hội đề xuất, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND TP. HCM theo hướng: Nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở. Khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và có đủ điều kiện, năng lực làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được xem xét chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

hon 30 du an dang mac ket horea kien nghi gap

Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP. HCM mới đây, bà Trang Bùi, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2019, đặc biệt trong quý 2 tổng nguồn cung căn hộ mới tại khu vực TP. HCM giảm mạnh kỷ lục.

Theo đó, toàn thị trường thành phố ghi nhận lượng mở bán chính thức đạt hơn 4.100 căn hộ. Đây được xem là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014.

Theo đó, JLL Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân sụt giảm nguồn cung phân khúc này là do vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý. Nhiều dự án bị đình trệ do thủ tục phê duyệt kéo dài, tình trạng này xảy ra phổ biến trong thời gian gần đây.

Theo đơn vị này, nguồn cung sụt giảm mạnh đã khiến phân khúc căn hộ hình thành mặt bằng giá mới cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Cụ thể, mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 41 triệu/m2, tăng 21,6 % theo năm. Trong khi đó, phân khúc cao cấp tăng 52,9 % theo năm, ở mức 90 triệu/m2 trong quý 2/2019 nhờ sự tham gia của một số dự án sang trọng ở khu vực trung tâm với mức giá vượt trội do quỹ đất khan hiếm.

Giá bán trên mỗi dự án tăng trung bình ở mức 6% theo năm, ghi nhận sự tăng giá vượt trội trên toàn bộ các phân khúc.

Trong khi đó, pháp lý là bài toán nan giải. Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám Đốc JLL Việt Nam lo ngại rằng việc nguồn cung sụt giảm mạnh do vướng pháp lý sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá căn hộ lên cao hơn nữa. Điều này sẽ gây khó khăn cho người mua nhà với nhu cầu ở thực, đồng thời sẽ gây ra sự biến động mạnh đối với các phân khúc khác như đất nền, nhà phố…

“Chúng tôi hy vọng thời gian tới chính quyền TP. HCM sẽ có những điều chỉnh hợp lý để điều chỉnh nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường. Như vậy mặt bằng giá trong phân khúc căn hộ nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng sẽ bình ổn trở lại”, Ông. Stephen Wyatt nói.

Với những nhận định trên, có thể thấy, sự sụt giảm nguồn cung mới cũng ảnh hưởng rõ nét đến người dân thành phố, những người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà, từ đó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Đức Hậu

Tin liên quan