Hoàng đế Trung Quốc đầu tiên được ăn socola là ai?
Đây là vị hoàng đế lỗi lạc của Trung Quốc, là người đầu tiên nếm thử socola. Nhưng bất ngờ nhất là phản ứng của ông.
Hành trình của socola đến Trung Hoa
Vào đầu thế kỷ 16, những hạt ca cao đầu tiên theo chân các nhà hàng hải Tây Ban Nha vượt đại dương từ Mexico đến châu Âu. Tại lục địa già, người ta ban đầu xem socola như một loại dược liệu. Nhưng với sự sáng tạo trong ẩm thực, họ đã cho thêm sữa và đường, biến thức uống đắng nguyên thủy thành một món đồ uống hấp dẫn – socola nóng như chúng ta biết ngày nay.

Đến đầu thế kỷ 18, làn sóng giao lưu văn hóa giữa châu Âu và châu Á cũng đưa socola tới phương Đông. Theo sử sách Trung Hoa, vào mùa hè năm 1706, thức uống này đã chính thức xuất hiện trong hoàng cung nhà Thanh – và người đầu tiên nếm thử nó chính là Khang Hi, vị hoàng đế nổi tiếng ham học hỏi và thích khám phá những điều mới lạ từ phương Tây.
Thời điểm ấy, Bắc Kinh (Thủ đô Trung Quốc ngày nay) đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt. Khang Hi rời hoàng cung, tới một hành cung mát mẻ để tránh nóng. Biết rằng trong triều có một số giáo sĩ phương Tây, nhà vua đã sai Tổng giám Võ Anh Điện – đại thần Hách Thế Hưởng – đi tìm họ để xin những phương thuốc giải nhiệt.

Nhưng điều khiến người đời sau ngạc nhiên là ngoài thuốc, Khang Hi còn đặc biệt nhắc tới socola – một thức uống mới lạ mà ông từng được nghe qua từ các giáo sĩ. Việc vị hoàng đế quyền uy này tò mò về socola cũng không quá lạ, bởi từ trước đó, ông đã nổi tiếng là người cởi mở với tri thức và sản vật phương Tây. Từng có lần bị sốt rét nặng, ông được một giáo sĩ người Pháp cứu sống nhờ một loại thuốc đặc biệt. Từ đó, Khang Hi ngày càng dành sự chú ý lớn hơn cho y học và ẩm thực Tây phương.
Dâng socola lên vua và kết cục chỉ vỏn vẹn ba chữ
Sau khi nhận chỉ dụ, đại thần Hách Thế Hưởng liền bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Với uy tín và mối quan hệ rộng trong giới người phương Tây tại Trung Hoa, ông nhanh chóng tìm được một thương nhân người Italy mang theo hơn 100 loại socola.

Ông đã kỳ công chọn ra 50 loại socola phù hợp với khẩu vị của Khang Hi, đồng thời học hỏi cách pha chế theo chuẩn phương Tây: dùng nước đường, pha trong tách bạc, khuấy đều rồi mới uống. Hách Thế Hưởng còn cho chế tác riêng bộ đồ dùng đặc biệt để nhà vua có thể thưởng thức socola theo nghi lễ đầy đủ như phong cách Âu châu.
Chưa dừng lại, ông tự mình nếm thử, mời thêm giáo sĩ tới thỉnh giáo công dụng và đặc tính dược lý, rồi viết bản tấu dài gần 1.000 chữ trình lên hoàng đế, trong đó mô tả socola là thứ “tính nhiệt, vị ngọt đắng, có 8 thành phần chính”, với ba vị đã phổ biến tại Trung Hoa như quế, đường trắng…
Tuy nhiên, Khang Hi chỉ khẽ phẩy tay, yêu cầu tóm tắt ngắn gọn. Hách Thế Hưởng lại lao đi tìm thêm tài liệu, hỏi thêm thái y và các giáo sĩ để viết một bản tấu mới, lần này nhấn mạnh: socola là một loại đồ uống phổ biến ở châu Âu, công dụng như trà, có thể điều hòa tiêu hóa và bồi bổ cơ thể cho người thể hàn.
Nhưng mọi công phu ấy, sau cùng chỉ nhận lại đúng ba chữ từ Khang Hi: “Đã biết rồi!”
Sự thật là, khi nếm thử, hoàng đế không thấy ấn tượng. Ông cho rằng socola không thể sánh bằng hương vị thanh tao của trà Trung Hoa, cách pha chế lại rườm rà, còn công dụng thì chẳng hơn gì những dược liệu quen thuộc của Đông y. Khang Hi kết luận không cần thiết phải nhập khẩu loại “trà Tây phương” này và từ đó không đề cập đến socola nữa.
Mãi đến cuối thời Thanh, tức gần 200 năm sau, socola mới thực sự phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa.