Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thanh toán hơn 440 tỷ đồng nợ trái phiếu trước Tết Nguyên đán

Cập nhật: 10:23 | 07/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Trước Tết Nguyên đán, Hoàng Anh Gia Lai đã chi tổng cộng 442 tỷ đồng để trả nợ gốc cho lô trái trái phiếu HAGBOND16.26 phát hành ngày 30/12/2016.

Mới đây, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu HAGLBOND16.26.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thanh toán hơn 440 tỷ đồng nợ trái phiếu trước Tết Nguyên đán
Thông báo ình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai

Theo đó, vào ngày 2/2 vừa qua, doanh nghiệp của bầu Đức đã thanh toán số tiền gốc là 357,5 tỷ đồng. Thời gian thanh toán tiếp theo là trong quý I/2024. Trước đó, ngày 15/1, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã trả 84,5 tỷ tiền gốc cho lô trái phiếu này. Như vậy, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp này đã chi tổng cộng 442 tỷ đồng để trả nợ gốc trái phiếu.

Lô trái phiếu HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/12/2016 với tổng giá trị là 6.546 tỷ đồng, có kỳ hạn 10 năm, tương ứng đáo hạn vào ngày 30/12/2026. Trái chủ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID).

Cần biết, lô trái phiếu nói trên được Hoàng Anh Gia Lai phát hành nhằm mục đích bổ sung lô vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của công ty. Tài sản đảm bảo bao gồm gần 30.000 ha quyền thuê đất tại Lào, Campuchia và gần 45 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức.

Liên quan đến lô trái phiếu này, trước đó, Hoàng Anh Gia Lai từng chậm thanh toán do chưa thu được nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG). Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thỏa thuận lộ trình trả nợ ba bên và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi của công ty.

Đáng nói, những năm gần đây, bầu Đức liên tục thực hiện hoạt động chuyển nhượng công ty, cổ phần, “sang tay” toàn bộ dự án tại Myanmar, mảng thủy điện... Trong các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, bầu Đức cũng thường nhắc đến việc “xoá sạch nợ” như một nhiệm vụ bắt buộc của Hoàng Anh Gia Lai đến năm 2025. Mới đây nhất, “đại gia phố núi” đã công bố nghị quyết chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu.

Eximbank “chơi lớn” xoá nợ, Hoàng Anh Gia Lai lập kỷ lục kinh doanh

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính quý IV/2023 của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần quý cuối năm tăng 16% so với cùng kỳ, lên 1.898 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ sau quý II/2016. Giá vốn hàng bán quý IV/2023 tăng tới 39%, nhanh hơn đà tăng của doanh thu, đã khiến lợi nhuận gộp giảm gần một nửa, xuống còn 217 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần sụt giảm được bù đắp hoàn toàn bởi khoản doanh thu tài chính lên tới 295 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quý IV, Tập đoàn đã thực hiện thanh lý một số khoản đầu tư, qua đó mang về 240 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 không ghi nhận khoản mục này.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thanh toán hơn 440 tỷ đồng nợ trái phiếu trước Tết Nguyên đán
Doanh thu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai tăng đột biến nhờ thanh lý một số khoản đầu tư

Chưa kể, nhờ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) miễn giảm hơn 1.424 tỷ đồng lãi vay, doanh nghiệp của bầu Đức còn được hoàn nhập 996 tỷ đồng chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ năm ngoái phải chịu hơn 421 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh và phải ghi nhận thêm 254 tỷ đồng tiền lỗ khác, Hoàng Anh Gia Lai vẫn lãi sau thuế 1.107 tỷ đồng, tăng gấp 4,76 lần với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tăng 36%, đạt 6.932 tỷ đồng, thiết lập kỷ kinh doanh mới. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.805 tỷ đồng, tăng gần 76% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 1.817 tỷ đồng, tăng gần 62%. Đây là mức lãi cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai, chỉ sau khoản lợi nhuận 2.081 tỷ đồng đạt được năm 2010.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của “đại gia phố núi” đạt xấp xỉ 21.528 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm 2022. Về cơ cấu tài sản, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với 8.370 tỷ đồng, tăng 24%. Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho giảm gần 20%, xuống còn 921 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp trích lập hơn 2 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả cuối năm 2023 ghi nhận ở mức 14.802 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính dừng ở mức 7.910 tỷ đồng, giảm 255 tỷ đồng so với mức 8.165 hồi cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với khoản nợ “khổng lồ” 27.098 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2015, “gánh nặng” nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai đã vơi đi 70%.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn có 4.948 tỷ đồng dư nợ trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) và công ty chứng khoán của ngân hàng này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có gần 211 tỷ đồng nợ vay dài hạn tổ chức, cá nhân khác.

Tính riêng các khoản dư nợ phải trả trong vòng một năm (bao gồm cả trái phiếu, vay dài hạn ngân hàng và vay dài hạn tổ chức, cá nhân khác), dự kiến, trong năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải trả hơn 2.475 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lập kỷ lục kinh doanh sau màn xoá nợ kinh điển với Eximbank

Nhờ Eximbank miễn giảm hơn 1.424 tỷ đồng lãi vay, Hoàng Anh Gia Lai được hoàn nhập 996 tỷ đồng chi phí tài chính, khiến ...

HAGL tiếp tục thay đổi kế hoạch sử dụng nguồn vốn 1.300 tỷ đồng

HAGL thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng số tiền thu từ đợt chào bán cổ phiếu riêng ...

HNG nằm sàn, HAG kết thúc trend tăng sau thông báo "lướt sóng" của con gái bầu Đức

Sau thời gian bứt tốc mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, bộ đôi HAG - HNG đã phát tín hiệu chấm dứt đà tăng.

Thái Hà