Hoa Sen 'bơm' thêm vốn cho chủ dự án khách sạn 1.200 tỷ tại Yên Bái

Cập nhật: 08:59 | 23/02/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ cho công ty con là Công ty CP Hoa Sen Yên Bái (gọi tắt là Hoa Sen Yên Bái).

Lỗ đậm hai quý liên tiếp, HSG 'dè dặt' đặt mục tiêu lợi nhuận thấp nhất 10 năm

Cụ thể, Hoa Sen Yên Bái sẽ phát hành 8,1 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. HSG sẽ mua toàn bộ số cổ phần này, tương ứng với việc đóng góp thêm 81 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của Hoa Sen Yên Bái từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng.

Thời gian hoàn thành việc tăng vốn là ngày 21/2/2023. Mục đích tăng vốn là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.

Sau khi mua, HSG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Hoa Sen Yên Bái từ 95% lên 95,962%.

Được biết, Hoa Sen Yên Bái được thành lập vào năm 2016, là chủ đầu tư của dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái. Dự án này được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,5ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng.

HSG
Công ty CP Hoa Sen Yên Bái sẽ tăng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, HSG vừa đưa ra hai kịch bản cho kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Kịch bản đầu tiên dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 60% so với cùng kỳ năm trước.

Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, HSG dự kiến thu về 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đề ra cho niên độ tài chính 2022 - 2023 đều kém xa mức HSG đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.

Sự thận trọng của HSG, được lý giải bởi tình hình xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Đồng thời, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty. Tuy nhiên, xét ở góc độ nội tại, HSG vẫn đang duy trì sự ổn định về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.

Dù đã đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, song có thể nói HSG sẽ còn "khó nhọc" để hoàn thành mục tiêu niên độ tài chính 2022 - 2023. HSG đã "mở màn" niên độ tài chính mới với quý I không mấy khả quan (báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng). Dù với phương án 1 hay phương án 2, công ty dự kiến phải đạt được mức lợi nhuận đột biến để bù đắp được khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng vừa ghi nhận và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, niên độ 2021 - 2022, HSG ghi nhận lợi nhuận là 251,3 tỷ đồng, công ty dự kiến trích lập quỹ khen thưởng 2%, quỹ phúc lợi 2% và 4% trích quỹ tài trợ, từ thiện.

Riêng đối với cổ đông, HSG trình kế hoạch cổ tức 3% bằng cổ phiếu cho niên độ 2021 - 2022.

Nguyễn Lê