Hé lộ đời tư kín tiếng của nữ đại gia từ chối tăng giá trứng giữa đại dịch

Cập nhật: 10:03 | 06/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Cuộc họp với lãnh đạo UBND TPp.HCM bàn cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực, thực phẩm diễn ra vào ngày 3/8 nổi bật với cái lắc đầu từ chối việc tăng trứng của nữ TGĐ Công ty Ba Huân dù được cho phép.

Danh sách các CEO được công ty chi hàng triệu đô để bảo vệ

T&T Group tài trợ 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế giúp một số địa phương phòng, chống dịch COVID-19

Doanh nhân sẵn sàng thuê máy bay đón đồng hương về quê tránh dịch là ai?

Cụ thể, ngày 3/8, UBND TP.HCM tổ chức buổi họp bàn tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực, thực phẩm. Tại buổi họp, Sở Công Thương TP.HCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, bà Ba Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá. Theo bà Ba Huân, các doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao.

0143-nudaigia1
Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân

Đời sống kín tiếng của "bà trùm hột vịt"

Bà Ba Huân tên thật Phạm Thị Huân (sinh năm 1954) là một nữ doanh nhân, Tổng giám đốc công ty TNHH Ba Huân, được nhiều người ngưỡng mộ gọi là "nữ hoàng hột vịt".

Bà Ba Huân sinh ra trong gia đình nghèo có 8 anh chị em tại xã Vĩnh Đông, một xã diện nghèo nhất tỉnh Long An và phải bỏ lửng việc học hành từ năm lớp 4.

Từ hồi 13 tuổi, bà Ba Huân đã quảy đôi quang gánh theo mẹ chạy chợ. Nhà có 8 anh chị em, chỉ mình bà đứng ra phụ giúp việc mua bán những quả trứng gà, trứng vịt nơi miệt hạ sông Tiền.

Đến khi 16 tuổi, bà được mẹ truyền nghề cùng chút vốn liếng ít ỏi. Thời điểm đó, cạnh tranh được với các thương lái gốc Hoa trong vùng là điều không hề dễ. Một mình bà nhỏ tuổi, ít vốn, phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn.

Nhờ chút nhạy bén kinh doanh, càng ngày bà càng gom góp được nhiều ân tình và uy tín từ các nông hộ và những bạn hàng.

Dần dần nhu cầu ngày càng lớn, bà đi các tỉnh từ Long An đến Kiên Giang thu gom rồi vận chuyển lên TPHCM để phân phối. Đến năm 1985, bà Ba Huân lập vựa trứng gia cầm riêng ở Chợ Lớn và hình thành thương hiệu trứng Ba Huân.

Sau một thời gian làm ăn khấm khá, đến năm 2001, nữ doanh nhân đã táo bạo nâng cấp vựa trứng gia cầm lên doanh nghiệp: Công ty TNHH Ba Huân.

Kể từ đó trở đi, sản phẩm gia cầm và doanh nghiệp trứng gia cầm Ba Huân đã trở thành cái tên không còn xa lạ với người tiêu dùng trong cả nước. Không những thế, sản phẩm trứng Ba Huân còn được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia.

Năm 2003, trước khủng hoảng dịch cúm gia cầm H5N1, nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà, vịt lấy trứng truyền thống bỗng chốc phá sản. Không cầm lòng trước thảm cảnh đó, bà Ba Huân đi khắp các nước Châu Âu, Châu Á và dừng chân tại Tập đoàn MOBA Hà Lan - nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới.

Bà quyết định đầu tư một dây chuyền công nghệ tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/giờ. Năm 2009, do nhu cầu phát triển, công ty đã mua thêm máy xử lý trứng thứ 2, công suất gấp đôi: 120.000 trứng/giờ.

Sự đột phá của Ba Huân đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, không những thế còn rộng đường thâm nhập vào các siêu thị lớn. Ngoài trứng, Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, lạp xưởng xúc xích, chà bông gà, trứng gà, cút, vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

0142-nudaigia
Doanh nhân Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (Ảnh: Báo Lao động)

Đồng cam cộng khổ cùng người dân

Bà gợi lại sự kiện diễn ra vào giữa tháng 7, xuất phát từ giá thành nguyên liệu đầu và chi phí sản xuất tăng cao nên ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ. Do đó, Sở Công Thương TP.HCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.

Vị nữ Tổng giám đốc đưa ra ý kiến rằng các doanh nghiệp bình ổn đang làm nhiệm vụ giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao. Đã 2 lần đơn vị này không đồng ý việc nâng giá bất chấp đã được phía Sở cho phép.

Được biết, công ty của bà hiện đảm nhận cung ứng khoảng 1 triệu quả trứng cho TP.HCM mỗi ngày. Sau những ngày đầu thiếu trứng cục bộ, hiện nay, hệ thống các kênh phân phối tại địa phương đã ổn định việc bán trứng cho người dân.

Báo Vietnamnet thông tin lại rằng, bà Huân thông cảm với người dân nghèo, cần xài nhiều trứng nên doanh nghiệp của bà mới giữ nguyên mức giá bình ổn.

"Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng", bà Ba Huân phát biểu trong buổi họp.

Công ty TNHH Ba Huân cũng từng vượt qua cơn "bão giá" ở thời điểm cách đây 5 - 6 năm nhờ chương trình bình ổn giá mà trong đó bà Ba Huân được xem như "đầu tàu". Có lẽ đó chính là lý do khiến nữ Tổng giám đốc có thể tự tin, "đồng cam cộng khổ" với người lao động trong thời khắc khó khăn này.

Nữ nông dân quốc tế

Năm 2016, bà Ba Huân - Tổng giám đốc Công ty Ba Huân trở thành nữ "nông dân" Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" quốc tế của của FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2017, bà Ba Huân được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và được mệnh danh là "Nữ hoàng hột vịt".

Trước đó, ngày 19/10/2012, tại Hoa Kỳ, nữ doanh nhân Phạm Thị Huân đã vinh dự được The International Alliance for Women (tổ chức Liên minh Phụ nữ thế giới) chọn và trao giải thưởng "100 người phụ nữ nổi bật của năm 2012".

Thu Uyên (Tổng hợp)