Hàng loạt ngân hàng báo “lãi đậm”

Cập nhật: 14:47 | 18/01/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Hàng loạt các ông lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank cho đến ngân hàng cổ phần tư nhân là MB, HDBank, Sacombank, VIB, TPBank, Nam Á, Kienlongbank...đều đã ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất từ trước tới nay.  

hang loat ngan hang bao lai dam Năm 2018: Lợi nhuận ngân hàng tăng ấn tượng
hang loat ngan hang bao lai dam NHNN chấp thuận cho Công ty tài chính Prudential nhượng toàn bộ vốn cho Shinhan
hang loat ngan hang bao lai dam Ngành Ngân hàng Hòa Bình: Tích cực tháo gỡ khó khăn cho kinh tế địa phương

Các ông lớn: Vietcombank, BIDV, Agribank lãi đậm

Đầu tiên là Vietcombank, theo Tổng giám đốc nhà băng này cho biết, năm 2018 ngân hàng riêng lẻ đã đạt 18.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hợp nhất là 18.356 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với năm 2017. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản ROAA đạt 1,37% còn lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROAE đạt 25,42%. Tỷ lệ lợi nhuận biên NIM đạt 2,91%.

Các chỉ số kinh doanh của Vietcombank đều tăng trưởng vượt bậc như huy động vốn năm qua đạt hơn 910,9 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng huy động thị trường 1 đạt hơn 823,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017; Dư nợ tín dụng ở mức hơn 635 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước và dưới mức trần quy định của NHNN; Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,97% trên tổng dư nợ; Dư quỹ dự phòng rủi ro đạt gần 10.500 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng là 170% - cao nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này.

Tại BIDV, ngân hàng cho biết năm 2018 lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng đạt 8.959 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 1,28 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với 2017 - giúp BIDV vẫn là ngân hàng thương mại có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư của BIDV đạt trên 1,214 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8%; trong đó cho vay nền kinh tế hơn 977.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3%, chiếm khoảng 13% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 9%; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11% và chiếm khoảng 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Tại Agribank năm 2018 cũng bất ngờ báo lãi 7.500 tỷ đồng - con số cao kỷ lục của ngân hàng này, và cao hơn nhiều so với kế hoạch 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ, tăng trưởng 11,8%; Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ, tăng 14,6% so với năm trước; Dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%. Đặc biệt, nhờ thu hồi được gần 12.000 tỷ đồng nợ xấu nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này theo Thông tư 02 chỉ còn 1,51%.

Như vậy chỉ riêng 3 ngân hàng lớn nhất đã ghi nhận lợi nhuận khoảng 35.000 tỷ.

hang loat ngan hang bao lai dam
Ảnh minh họa

Các ngân hàng MB, HDBank, VIB, Sacombank, TPBank, Nam Á cũng không kém phần long trọng

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là đang dẫn đầu khi đạt mức lợi nhuận trước thuế trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 31% so với năm trước. Các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 1,21%.

Tiếp đến là HDBank, tổng lợi nhuận trước thuế của HDBank cũng lên tới 3.972 tỷ đồng, tăng 64% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ trọng của mảng dịch vụ đã tăng đáng kể và giảm sự phụ thuộc kinh doanh vào tín dụng. Đóng góp từ thu ngoài lãi của HDBank đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát chặt chẽ ở mức thấp.

Tương tự, Ngân hàng VIB cũng vừa công bố báo cáo tài chính. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ, tăng 95% so với năm 2017 và vượt 37% so với kế hoạch cổ đông giao, là năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng gần 100%. Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 140.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 22,7% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng đạt 98.933 tỷ đồng, tăng 17,5%. Trong đó, dư nợ khối ngân hàng bán lẻ đạt 74.300 tỷ, tăng 48% trong năm 2018 sau khi đã tăng 83% năm 2017.

Tại TPBank, lợi nhuận trước thuế năm 2018 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2017 đạt 2.258 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 136 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 10,5 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu dừng ở mức xấp xỉ 1%.

Ở Sacombank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch. Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, lợi nhuận của Sacombank quay trở lại vượt 2.000 tỷ đồng.

Tại Kienlongbank cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với lợi nhuận 300 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Tổng tài sản đạt 42.330 tỷ đồng, tăng 13,40%; tổng huy động vốn đạt 37.499 tỷ đồng, tăng 13,11%; dư nợ cấp tín dụng đạt 29.472 tỷ đồng, tăng 19,39%...Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,86%. Các chỉ số an toàn hoạt động đều thực hiện đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nam A Bank chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 nhưng theo một lãnh đạo của ngân hàng này thì lợi nhuận năm vừa qua ước đạt gần 700 tỷ đồng, con số cao kỷ lục. Trước đó trong 9 tháng đầu năm Nam Á đã là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống vượt xa chỉ tiêu kinh doanh của cả năm với hơn 470 tỷ.

Hoài Dương