Thuế - Bảo hiểm

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đối mặt “sóng gió” vì thuế quan kỷ lục nhắm vào Việt Nam

Hoàng Thái 03/04/2025 12:42

Mức thuế nhập khẩu 46% mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa từ Việt Nam có thể gây tác động mạnh đến các doanh nghiệp Mỹ. Những tập đoàn lớn như Nike, Wayfair và VF đứng trước bài toán khó khi chi phí tăng cao, trong khi người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm giải pháp thay thế Trung Quốc nhằm tránh tác động từ căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp này không thể đứng ngoài cuộc.
Quyết định này được công bố hôm thứ Tư và sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4, dự kiến làm gia tăng chi phí cho các tập đoàn trong ngành may mặc, đồ nội thất và đồ chơi. Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu do lạm phát kéo dài và những lo ngại kinh tế, các doanh nghiệp có thể đối mặt với bài toán khó khi phải lựa chọn giữa việc hấp thụ chi phí hoặc chuyển gánh nặng này sang khách hàng.

ảnh hương cua trump tới các ngành Việt nam
Thuế nhập khẩu 46% của Trump đối với Việt Nam là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Mỹ

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đã đạt 136,6 tỷ USD trong năm 2024, tăng 19% so với năm trước. Việc áp thuế mới sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của mình.
Trong số các doanh nghiệp Mỹ, Nike sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể do khoảng 25% giày dép của hãng được sản xuất tại Việt Nam. Cùng với đó, Trump cũng tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức tổng cộng 54%. Điều này có thể khiến Nike gặp thêm thách thức trong quá trình tái cấu trúc và cải thiện doanh số dưới sự lãnh đạo của CEO mới, Elliott Hill.
Trong phiên giao dịch sau tuyên bố, cổ phiếu của Nike đã giảm hơn 6%. Các hãng giày khác như Adidas, cũng có tỷ lệ sản xuất lớn tại Việt Nam, sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.
Ngành nội thất cũng đối diện với rủi ro lớn khi Việt Nam chiếm 26,5% tổng lượng nội thất nhập khẩu vào Mỹ năm 2023, chỉ đứng sau Trung Quốc với 29%. Các tập đoàn như Wayfair có thể chịu áp lực đáng kể. CEO Wayfair Niraj Shah từng nhận định rằng các doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ nhiệm kỳ trước của Trump, nhưng mức thuế mới có thể tiếp tục thúc đẩy sự dịch chuyển này sang các quốc gia khác như Campuchia, Indonesia và Thái Lan.
Cổ phiếu Wayfair đã giảm khoảng 12% sau thông tin trên. Công ty cho biết đang "theo dõi sát sao tình hình thương mại" và tìm cách duy trì mức giá cạnh tranh.
Tập đoàn VF, chủ sở hữu các thương hiệu như The North Face, Timberland, Vans và Jansport, cũng đối diện rủi ro khi 55% nhà cung ứng của họ đặt tại Trung Quốc và Việt Nam. Cổ phiếu của VF đã giảm hơn 8% sau tuyên bố của Trump.
Trong ngành đồ chơi, nhiều thương hiệu lớn như Hasbro, Mattel và Crayola hiện hợp tác với GFT Group – một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Đông Nam Á với năm nhà máy tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này có thể phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng với chi phí gia tăng. Ngoài các cơ sở sản xuất đã được thiết lập từ lâu ở Trung Quốc, GFT hiện có năm cơ sở sản xuất ở miền Bắc Việt Nam với hơn 15.000 công nhân.
Ông Curtis McGill, đồng sáng lập công ty đồ chơi Hey Buddy Hey Pal, nhận định rằng thuế quan mới có thể đẩy giá đồ chơi tại Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ tìm cách đàm phán với nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm thiểu tác động.
Việc Trump áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa 46%Việt Nam đặt ra bài toán khó cho các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang có dấu hiệu chững lại. Mức thuế này có thể dẫn đến những điều chỉnh lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lên cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Mỹ trong thời gian tới.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đối mặt “sóng gió” vì thuế quan kỷ lục nhắm vào Việt Nam
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO