Hàng không bước vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt

Cập nhật: 16:01 | 23/07/2018 Theo dõi KTCK trên

Bên cạnh Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, tới đây còn có thêm Bamboo Airway. Hai ông lớn hàng không giá rẻ của Đông Nam Á là Air Asia và Lion Air cũng đang hoàn tất các thủ tục để hoạt động tại thị trường Việt Nam

Theo tờ Infonet, Việt Nam là thị trường hàng không có triển vọng lớn, xuất phát từ tăng trưởng kinh tế của chúng ta khá cao, cùng với đó là tầng lớp trung lưu mới nổi tăng nhanh khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không tăng lên.

hang khong buoc vao cuoc dua canh tranh khoc liet
Thị trường hàng không Đông Nam Á có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ hàng không giá rẻ. Nguồn: BVSC tháng 1/2018.

Trong khi đó, khả năng cung ứng của các hãng hàng không hiện tại là không đủ khi tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến, tình trạng quá tải ở các sân bay vào dịp cao điểm vẫn rất lớn.

Một số địa phương hiện nay đang trở thành hạt nhân tăng trưởng, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ...

Những yếu tố trên tạo ra lợi nhuận tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ hàng không.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên đại học Fulbright, việc các hãng hàng không tư nhân tham gia thị trường là xu hướng tất yếu và tích cực để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Chúng ta đã có Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, tới đây còn có thêm Bamboo Airway.

Như đã nói ở trên, do có sự độc quyền tự nhiên nên những hãng hàng không tham gia sau sẽ khó cạnh tranh so với những hãng hàng không đã đi trước. Các doanh nghiệp đi trước đã có thời gian khấu hao khá lâu, chi phí trung bình đã giảm.

Trong khi đó, các hãng hàng không đi sau nếu không muốn bán giá vé cao sẽ phải cần có nguồn lực đủ mạnh để có thể chịu lỗ ban đầu.

“Ví dụ như Bamboo Airways muốn chống chọi lại với giai đoạn đầu thì nguồn lực từ các nguồn khác phải đủ để “bơm” cho lĩnh vực này trong giai đoạn đầu, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, các hãng hàng không đi sau cũng có thể đi vào thị trường ngách để tạo sự khác biệt, đây là cơ hội để họ có thể thành công, nhất là khi Vietnam Airlines và Vietjet Air đã thống lĩnh một số đường bay chính.

Vietjet Air ở một số phân khúc nào đó đã vượt qua Vietnam Airlines cũng bởi nhờ sự khác biệt hóa. Đó là cơ sở để tin rằng hoàn toàn có đủ cơ hội cho những nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực hàng không của Việt Nam.

Tuy nhiên, bài học cho thấy đã có một số hãng hàng không tư nhân của Việt Nam không thành công. Hãng hàng không Pacific đã phải tái cơ cấu lại bằng cách M&A với Jetstar, hai hãng hàng không đã nhanh chóng biến mất khỏi thị trường là Mekong Air và Indochina.

Thực tế đó cho thấy thị trường hàng không có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất lớn.

Ngoài những rào cản bắt buộc phải vượt qua, các hãng hàng không nói chung còn phải đối mặt với chi phí nhiên liệu đang có xu hướng tăng kể từ năm 2016.

Các hãng hàng không Việt Nam đều sử dụng xăng Jet – A1 cho các chuyến bay của mình. Nguồn nhiên liệu bay được nhập chủ yếu từ Singapore với mức thuế nhập khẩu được ưu đãi giảm từ 20% về 10% từ đầu 2016. Nhìn chung chi phí xăng Jet – A1 khó kiểm soát và dự báo do giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng trở lại từ 2016 theo biến động của giá dầu.

Cùng với đó, phí dịch vụ sân bay đã tăng 5% từ tháng 10/2017 và sẽ tiếp tục tăng 10% vào tháng 7/2018 theo lộ trình đã được bộ GTVT đồng ý.

Bên cạnh đó, hai ông lớn hàng không giá rẻ của Đông Nam Á là Air Asia và Lion Air cũng đang hoàn tất các thủ tục để hoạt động tại thị trường Việt Nam. Điều này tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường hàng không nói chung và hàng không giá rẻ nói riêng.

Báo điện tử VOV thông tin thêm, theo đánh giá của hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không đang phát triển nhanh và năng động, xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để hội nhập tốt, thì hàng không Việt Nam cần tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng.

Trong quá trình hội nhập, tham gia vào hàng không quốc tế, thách thức rất lớn trước hết là chúng ta phải tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, tránh chuyện cạnh tranh bằng giá mà không hợp lý.

“Chúng ta phát triển hàng không giá rẻ nhưng cơ chế chính sách cho hàng không giá rẻ thế nào? Nó khác với hàng không thương mại thì chúng ta cũng chưa rõ. Như vậy, về quản lý Nhà nước chúng ta đang bất cập, chúng ta chưa có một chiến lược quốc gia tổng thể" – TS Trần Du Lịch nói.

Theo Nguoiduatin.vn

Tin liên quan