Hà Nội chuẩn bị cấm xe xăng, nhiều người thức thời chuyển hướng học nghề sửa xe điện
Trước việc cấm xe xăng trong Vành đai 1 Hà Nội từ 1/7/2026, thị trường xe máy cũ ảm đạm, trong khi nghề sửa xe điện lên ngôi, thu hút người học chuyển nghề.
Xe máy xăng cũ vắng khách
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, yêu cầu Hà Nội lên lộ trình dừng lưu thông xe máy, xe gắn máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 kể từ ngày 1/7/2026. Đây là động thái quyết liệt nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, thúc đẩy giao thông bền vững và chuyển đổi xanh tại đô thị lớn nhất miền Bắc.

Trước thông tin này, thị trường xe máy cũ ở Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng khách. Theo thông tin trên báo Dân Việt, khảo sát tại các tuyến phố chuyên mua bán xe máy cũ như Chùa Hà, Trương Định, đường Láng, phố Huế, không khí mua bán trở nên trầm lắng hơn hẳn. Anh T – chủ một cửa hàng xe cũ tại Cầu Giấy – cho biết: “Chỉ vài ngày sau khi có thông tin cấm xe máy xăng, khách đến xem xe giảm rõ rệt. Dù tháng 7 thường là mùa thấp điểm, nhưng lần này lượng khách gần như ‘chạm đáy’”.
Không chỉ yếu tố mùa vụ, thị trường xe máy xăng đã chịu tác động kéo dài từ các chính sách như biển số định danh (Thông tư 24), siết kiểm định khí thải, và giờ là lệnh cấm hoàn toàn trong nội đô. Đặc biệt, các dòng xe kén người dùng như Vespa, Liberty đang được nhiều cửa hàng xả hàng bằng cách giảm giá sâu để cắt lỗ.
Cùng lúc, thành phố cũng được giao xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phương tiện năng lượng sạch, cũng như chính sách đổi xe xăng lấy xe điện cho người dân. Theo kế hoạch, Hà Nội có thể hỗ trợ thu hồi, đổi mới tới 450.000 xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1, mở đường cho xe điện và giao thông công cộng phát triển.
Các chuyên gia nhận định, đây là một bước chuyển "không thể đảo ngược" và là tín hiệu rõ ràng cho thấy xe máy xăng sẽ dần lùi khỏi các đô thị lớn trong thời gian tới.
Nghề sửa xe điện lên ngôi
Trong bối cảnh xe điện dần thay thế xe xăng tại các đô thị lớn như Hà Nội, nghề sửa chữa xe máy điện đang trở thành xu hướng mới, được nhiều người lựa chọn như một hướng đi thực tế, nhanh chóng bắt kịp nhu cầu thị trường.

Ghi nhận trên các hội nhóm và trang dạy nghề, các khóa học sửa chữa xe điện đang thu hút đông đảo người đăng ký. Học viên chủ yếu là thanh niên muốn học nghề nhanh ra làm, thợ xe xăng chuyển hướng hoặc cả những người đang làm dịch vụ bảo trì kỹ thuật muốn mở rộng kỹ năng. Chương trình học thường kéo dài từ 5 – 7 buổi lý thuyết, kết hợp với 2 – 3 tháng thực hành tại xưởng.
Anh Đặng Việt – kỹ thuật viên một hãng xe điện lớn tại Hà Nội – cho biết: “Sửa xe điện không khó, nhưng khác hoàn toàn xe xăng. Xe xăng yêu cầu kỹ năng cơ khí, tháo ráp động cơ đốt trong. Xe điện ít chi tiết hơn, nhưng lại đòi hỏi kiến thức về điện – điện tử, cảm biến, bộ điều tốc, pin – sạc và mạch điện”.
Theo anh Việt, những người đã từng làm nghề sửa xe xăng có lợi thế về mặt kết cấu khung sườn, phanh, bánh xe, tuy nhiên để sửa được xe điện hiệu quả, họ cần bổ sung thêm kiến thức về hệ thống điều khiển điện tử. Các kỹ năng như đọc sơ đồ mạch, kiểm tra lỗi cảm biến, thay pin và sửa sạc đều phải học lại từ đầu.
Hiện tại, mức thu nhập của thợ sửa xe điện cũng đang tăng đều khi số lượng xe điện lưu hành tăng nhanh. Với chi phí học nghề thấp, thời gian ngắn và khả năng tự mở cửa hàng hoặc làm thuê cho các chuỗi dịch vụ bảo trì, sửa chữa xe điện, đây đang là nghề "thức thời" trong giai đoạn chuyển đổi xanh mạnh mẽ của đô thị.
Ngoài ra, các hãng xe máy điện như VinFast, Yadea, Dat Bike, Selex… cũng đang mở rộng hệ thống bảo hành – sửa chữa, đòi hỏi số lượng lớn thợ kỹ thuật có tay nghề. Cơ hội cho người học nghề sửa xe điện vì thế không chỉ đến từ cá nhân, mà còn từ nhu cầu tuyển dụng ổn định, lâu dài của doanh nghiệp.