Giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn ổn định và hiệu quả

Cập nhật: 17:15 | 27/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian gần đây bắt đầu phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường này vừa mới phát triển trong một thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, có khả năng ảnh hướng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư và có hiệu ứng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.

Động thái quyết liệt của cơ quan quản lý

Mới đây, Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã ra Quyết định hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh. Một điểm đáng chú ý là các công ty chưa phải là doanh nghiệp đại chúng.

0903-trai-phieu-doanh-nghiep
Động thái tích cực của nhà quản lý giúp lành mạnh hóa thị trường TPDN. Hình minh họa

Quyết định hủy các lô trái phiếu đã phát hành của UBCKNN được xem là hành động chưa từng xảy ra trên thị trường. Bình luận về sự kiện này, ông Nguyễn Nhật Hoàng - Phó phòng Phân tích khối dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, cho biết: Quy mô tín dụng trái phiếu ở mức 273.900 tỉ đồng vào cuối năm ngoái, tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Do đó, các quyết định hủy 09 lô trái phiếu đã phát hành có thể sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.

Vị lãnh đạo FiinRatings cũng cho rằng ngoại trừ các dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng, ngành bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản dân cư nói riêng vẫn cơ bản có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với năm trước. Vấn đề quan trọng đang nằm ở áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới đây. Bởi quy mô dư nợ TPDN của ngành bất động sản khoảng 189.000 tỉ đồng vào cuối năm 2021 và số liệu thống kê chỉ ra rằng 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào ba năm tới đây (2022-2024).

“Điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ lớn hơn của các công ty bất động sản mà còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng. Ngoài ra, áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp” - ông Hoàng phân tích.

Ông Lê Quang Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), cũng nhìn nhận trong ngắn hạn, việc hủy chín lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh sẽ có những tác động mang tính tiêu cực đến thị trường. Chẳng hạn, tính thanh khoản của trái phiếu bất động sản, cổ phiếu bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nhất định trong bối cảnh nhà đầu tư đang do dự hoặc dịch chuyển dòng vốn sang kênh đầu tư khác. Ngoài ra, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay vào lĩnh vực bất động sản khiến hạn mức tín dụng khó có thể được tăng mạnh, qua đó lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng chịu áp lực kém hơn so với kỳ vọng.

Tuy vậy, ông Minh đánh giá đây được xem là động thái tích cực của nhà quản lý giúp lành mạnh hóa thị trường TPDN. Do đó, xét về dài hạn, thị trường TPDN sẽ phát triển mạnh mẽ, minh bạch hơn và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Để phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn ổn định, hiệu quả

0557-ba-hoang-hai-anh
Bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB)

Theo bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, VASB mới đây đã có ý kiến gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về các giải pháp đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán đồng thời giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế.

Theo VASB, nguyên nhân của tình trạng nêu trên chủ yếu đến từ ba yếu tố chính là: Khung quy định pháp luật chưa thực sự đạt hiệu quả quản lý, giám sát và định hướng dòng vốn; Cách thức triển khai phát triển thị trường trái phiếu chưa được đánh giá hết mức độ ảnh hưởng khi bắt đầu và Nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro của các loại trái phiếu doanh nghiệp và thông tin cung cấp đến nhà đầu tư chưa thực sự minh bạch. Cụ thể:

Về khung quy định pháp luật: Bên cạnh Luật Chứng khoán, các quy định cụ thể về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định riêng tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, hiện đang được xem xét sửa đổi bổ sung. Mặc dù các quy định tại Nghị định đã quy định khá chặt chẽ về trình tự thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề các quy định trong luật và nghị định chưa đạt được hiệu quả. Cụ thể:

Thứ nhất, các quy định hiện nay đang tập trung vào việc quản lý sự công khai minh bạch và các yêu cầu tối thiểu đối với tổ chức phát hành mà chưa có các quy định nhằm phân loại rủi ro cho từng doanh nghiệp, từng trái phiếu với mục đích sử dụng, tài sản đảm bảo khác nhau. Điều này hết sức cần thiết vì nhà đầu tư phải được nhận thức trước khi ra quyết định đầu tư một cách rõ ràng trái phiếu này có mức độ rủi ro trong phân khúc nào. Tương ứng với đó, nên có các điều kiện đối với từng cấp độ rủi ro và quy mô. Chẳng hạn, trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo với quy mô 1.000 tỷ cần thiết phải có kiểm toán vốn, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm soát dòng vốn giải ngân vào dự án bởi tổ chức kiểm toán độc lập có uy tín (Big4).

Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện về kênh phân phối như: Có được phép phân phối thông qua hệ thống phân phối của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán hay không; Có được phép niêm yết hay không… Tình trạng phổ biến hiện nay là các trái phiếu chỉ cần đạt điều kiện tối thiểu, chỉ phụ thuộc vào hợp đồng với các tổ chức tín dụng là có thể phân phối qua hệ thống của tổ chức tín dụng. Dẫn đến sự hiểu lầm rất lớn của nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư có thói quen gửi tiết kiệm được cán bộ ngân hàng mời chào sản phẩm trái phiếu có mức lãi suất hấp dẫn hơn nhưng nhà đầu tư không hiểu đầy đủ rủi ro của các sản phẩm này cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu cũng cần được thẩm định trên cơ sở thẩm định phương án kinh doanh sử dụng nguồn từ trái phiếu. Hiện nay, mức lãi suất và tổng chi phí cho nguồn vốn từ phát hành trái phiếu cao hơn từ 1.5 đến 1.8 lần so với vốn vay ngân hàng. Đây là mức chi phí vốn không phải phương án đầu tư, kinh doanh nào sử dụng cũng đạt hiệu quả. Để tránh việc đặt lãi suất cao để huy động vốn sử dụng cho mục đích khác không phải đi vào phương án đầu tư kinh doanh đăng ký, cần có sự thẩm định khả thi về mức lãi suất huy động tương ứng với phương án đầu tư kinh doanh đăng ký. Đồng thời, cần có quy định kiểm soát mục đích sử dụng vốn sau khi huy động trái phiếu như đối với nguồn vốn vay ngân hàng.

Thứ hai, các quy định pháp luật hiện nay mang tính quản lý mà chưa mang tính chính sách, định hướng. Cần thiết phải có những chính sách phân biệt để định hướng dòng vốn, đảm bảo những tỷ trọng nhất định nguồn vốn được chảy vào sản xuất, kinh doanh bên cạnh việc chảy đa số vào các kênh đầu cơ không trực tiếp tạo ra giá trị cho xã hội. Thực tế giai đoạn vừa qua, khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp, người dân đưa tiền vào các kênh đầu tư trong đó có hai thị trường lớn là bất động sản và chứng khoán khiến cho các thị trường này tăng trưởng nóng. Do không có các quy định mang tính chất định hướng nên ngay cả khi dòng vốn rất lớn đã đổ vào thị trường bất động sản thì trên thị trường chứng khoán dòng vốn cũng tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản thông qua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong điều tiết dòng vốn của nền kinh tế, tăng rủi ro cho hệ thống tài chính khi các thị trường đầu cơ giảm sâu.

Thứ ba, bên cạnh các chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế, tiền thuê đất… cho các lĩnh vực ngành nghề khuyến khích phát triển thì đồng bộ với đó cần phải có các sản phẩm tài chính được khuyến khích, ưu tiên để thu hút dòng vốn vào các lĩnh vực này. Chẳng hạn, cần chính sách phát triển trái phiếu xanh, tín dụng xanh để hướng dòng vốn vào các hoạt động cải thiện môi trường, các dự án phát triển bền vững… Chúng ta thấy rất rõ rằng các hoạt động như xử lý rác thải, nước thải công nghiệp, nông nghiệp sử dụng hóa chất… ở Việt Nam hiện nay đang là các vấn đề nhức nhối cần giải quyết và ưu tiên dòng vốn vào để thay đổi chất lượng cuộc sống cho người dân. Nếu có các chính sách ưu đãi cho các sản phẩm tài chính định hướng vào các dự án này thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể chung tay cùng Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề này.

Cuối cùng, một trong những giải pháp cấp bách tình thế trong giai đoạn hiện nay nhằm bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư là các cơ quan quản lý cần có biện pháp thiết thực rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, tìm mọi biện pháp để có thể đảm bảo phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu, không để tình trạng không thể trả nợ của bất cứ tổ chức phát hành nào xảy ra trong giai đoạn hiện nay. Điều này giúp bảo vệ niềm tin và giữ chân dòng vốn đầu tư trên thị trường trước khi chúng ta có thể áp dụng các biện pháp dài hạn khác.

Về cách thức triển khai: Cũng như các sản phẩm mới trên thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng, do đặc trưng là mức độ ảnh hưởng của việc triển khai đến thị trường nhanh có thể có những ảnh hưởng thậm chí hậu quả khó khắc phục nên việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được tính toán kỹ lưỡng theo lộ trình, áp dụng các hình thức thí điểm hoặc áp dụng không gian thử nghiệm ibox.

Đối với nhà đầu tư, cần có những quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Nguyên tắc của thị trường chứng khoán là nguyên tắc công khai, minh bạch. Vì vậy, khi được phân phối phải có những quy định về trách nhiệm của đơn vị phân phối trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến nhà đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh vai trò của các Hiệp hội trong việc đào tạo nhận thức của Nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán và trong việc xây dựng các tiêu chuẩn (đặc biệt là tiêu chuẩn đạo đức) của người hành nghề các vị trí ngành nghề trong ngành chứng khoán.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), năm 2021, tổng giá trị TPDN đăng ký phát hành đạt 837.128 tỷ đồng và giá trị thực tế phát hành đạt 640.080 tỷ đồng, tăng 37,11% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng). Trong Quý I/2022, tổng giá trị đăng ký phát hành là 82.180 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 110.237 tỷ đồng.

Như vậy, trong năm 2021 và Quý I/2022, tổng giá trị đăng ký phát hành là 919.308 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 750.317 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 710.685 tỷ đồng (chiếm 94,7%) và phát hành ra công chúng đạt 39.632 tỷ đồng (chiếm 5,3%).

VASB chỉ ra nguyên nhân, thực trạng và đề xuất giải pháp đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Thị trường gần đây chứng kiến một số vụ việc có dấu hiệu hành vi thao túng thị trường chứng khoán đến mức phải khởi ...

VASB kiến nghị giải pháp căn cơ hỗ trợ thị trường và công ty chứng khoán trong tình hình khó khăn do dịch Covid

Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung và lĩnh vực chứng khoán ...

Phó Chủ tịch VASB Nguyễn Thanh Kỳ: Hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần nhanh hơn

“Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động ...

Tân An

Tin cũ hơn
Xem thêm