Giá xi măng đã có dấu hiệu tăng vì cú sốc năng lượng

Cập nhật: 15:57 | 14/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường năng lượng thế giới, đặc biệt là ở các mặt hàng khí đốt và than đá, có thể sẽ tiếp tục thắt chặt trong khoảng cuối năm. Sắp tới, do giá khí đốt nhảy vọt, giá các vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch cũng sẽ đi lên, dù tốc độ chậm hơn một chút.

Giá gas hôm nay 14/10/2021: Thị trường thế giới tăng trở lại

Việt Nam chính thức áp thuế CBPG đối với sợi dài làm từ polyester nhập khẩu

Giá thép hôm nay 14/10/2021: Thép thanh tăng nhẹ

Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết, từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng 500%, trong khi ở Mỹ và châu Á thì cao hơn khoảng 150%. Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên thậm chí tương đương với giá dầu giao dịch quanh mức 190 USD/thùng, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà ngành dầu mỏ chưa bao giờ đạt được.

Ở diễn biến khác, để phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, chính phủ nhiều nước được dự đoán là sẽ tiếp tục bơm tiền nền kinh tế, nhất là qua kênh đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, nhu cầu cho các vật liệu xây dựng từ thép, gỗ đến xi măng, gạch đều sẽ đi lên.

Giá khí đốt tăng chóng mặt đã làm tăng chi phí sản xuất của nhiều ngành như chế tạo và giao thông vận tải, nhưng lĩnh vực xây dựng lại không tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu hóa thạch.

5626-giaximang
Ảnh minh họa

Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là các nhà thầu sẽ không chịu ảnh hưởng bởi đà tăng của khí đốt, các chuyên gia phân tích tại tập đoàn tài chính ING lưu ý. Trên thực tế, các nhà cung ứng thép, gạch, bê tông và xi măng sử dụng rất nhiều khí đốt tự nhiên. Chẳng hạn, khí đốt tự nhiên chiếm hơn 30% chi phí sản xuất của một nhà máy gạch.

Khi các nhà máy này không thể gồng gánh thêm phí tổn, giá vật liệu xây dựng nhất định sẽ tăng, từ đó tác động gián tiếp đến nhà thầu xây dựng.

Chưa kể, tồn kho xi măng của Trung Quốc đã ở mức thấp kể từ đầu năm. Chứng khoán VNDirect cho rằng Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật liệu xây dựng tạm thời và xu hướng này sẽ tiếp tục ít nhất là cho đến hết quý IV năm nay.

Trong những tháng trở lại đây, để giải quyết vấn nạn thiếu hàng hóa nói chung, Trung Quốc đã tích cực gom hàng, hay nói cách khác là thiếu gì thì gom đó. Với năng lực mua hàng khủng khiếp của mình, Trung Quốc có thể gây khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu, và vật liệu xây dựng cũng không ngoại lệ.

Theo các chuyên gia tại ING, đà tăng giá trên thị trường bê tông, xi măng và gạch thường chậm hơn các thị trường khác do sự cạnh tranh tương đối thấp. Nguyên nhân bắt nguồn từ các đặc tính của những vật liệu này.

Xi măng hay gạch khá nặng và cồng kềnh, do đó khi vận chuyển khó và tốn kém hơn. Vì vậy, hầu hết thường được giao dịch trên thị trường nội địa và các nhà sản xuất có nhiều quyền kiểm soát giá hơn. Cho nên, mức biến động giá cũng thấp hơn.

ING cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến giá xi măng, bê tông và gạch chưa tăng phi mã như thép. Song, các nhà thầu sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt tăng mới, điều tích cực duy nhất là đà tăng của xi măng sẽ không diễn ra như vũ bão.

Nhìn chung, giá đầu ra của một dự án và giá đầu vào của vật liệu xây dựng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến hết năm ngoái, giá đầu ra của nhà thầu tăng nhanh hơn giá đầu vào, dẫn đến biên lợi nhuận của nhà thầu cao hơn. Hiện nay, giá vật liệu đang nhanh chóng bắt kịp, với mức tăng trong nửa đầu năm 2021 đang đạt đỉnh so với năm 2004.

Để đối phó với tình trạng biến động giá, các nhà phân tích tại ING khuyến nghị nhà thầu nên theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và sử dụng chính sách phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu thiệt hại.

Trước đó, giá khí đốt tự nhiên đã tăng mạnh trên toàn cầu. Nguyên nhân được lý giải là do nhiều yếu tố tác động như nhu cầu gia tăng trên thị trường (đặt biệt là ở châu Á để phục hồi sau đại dịch COVID-19), tồn kho lượng gas thấp và nguồn khí đốt từ Nga được kiểm soát chặt chẽ hơn trước đây.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 250% trong năm nay, trong khi châu Á đã chứng kiến mức tăng khoảng 175% kể từ cuối tháng 1/2021. Tại Mỹ, giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm và cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Giá điện cũng tăng mạnh do nhiều nhà máy điện chạy bằng khí đốt.

Những ngày gần đây, Industrial Energy Consumers of America, một nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất hóa chất, thực phẩm và vật liệu tại Mỹ đã kêu gọi Bộ Năng lượng Mỹ có hành động ngăn chặn các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này xuất khẩu khí đốt.

Cho đến nay, sự thiếu hụt năng lượng khí đốt đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu, khu vực mà lượng khí dự trữ thấp hơn nhiều so với bình thường khi chuẩn bị bước vào mùa Đông. Yara International ASA của Na Uy, một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, vào cuối tuần trước cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 40% sản lượng amoniac ở châu Âu do giá khí đốt cao.

Một số ngành công nghiệp nặng đều đang kêu gọi chính phủ các nước có động thái hỗ trợ cho họ. Những lời kêu cứu này được đưa ra khi một số quốc gia đã bắt đầu có hành động để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hóa đơn năng lượng tăng cao, chẳng hạn như Tây Ban Nha. Tuần trước, nước này đã thông qua một gói các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm cả giới hạn giá.

Trong số những doanh nghiệp yêu cầu giúp đỡ có nhiều công ty chế biến thực phẩm vì tình trạng thiếu carbon dioxide (CO2). CO2 được sử dụng trong việc đóng gói chân không các sản phẩm thực phẩm để kéo dài thời hạn sử dụng của chúng, gây choáng váng cho động vật trước khi giết mổ tại lò và để tạo bọt trong nước giải khát và bia.

Tại Trung Quốc, một số nhà sản xuất thép, gốm sứ và thủy tinh đã giảm sản lượng để tránh thua lỗ, theo Li Ruipeng, một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng địa phương ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc nước này.

Và ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, trong tháng 9 này chính quyền đã áp đặt các giới hạn đối với sản xuất của một số ngành công nghiệp nặng, bao gồm nhà máy sản xuất phân bón, xi măng, hóa chất và lò luyện nhôm do thiếu năng lượng - một động thái mà các nhà phân tích cho rằng có thể làm giảm xuất khẩu.

Để chống chọi với "cơn bão", một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và các công ty tiện ích ở châu Á hay Trung Đông đã tạm thời chuyển từ khí đốt sang dầu nhiên liệu, dầu thô, naphtha hoặc than đá. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xu hướng đó dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm và sang đầu năm 2022.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan