Giá vàng hôm nay 27/1/2021: "Nhấp nhổm" tăng giá

Cập nhật: 06:31 | 27/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng trong nước đã tăng ổn định trên 56 triệu đồng, thế giới vẫn nhấp nhổm chờ tăng. Giới kinh doanh vàng trong nước có tín hiệu đẩy mạnh chiều mua vào. Trong khi, nhu cầu vàng vật chất đang có xu hướng tăng trước thời điểm giáp tết cổ truyền của một số nước châu Á.

Dự báo giá vàng ngày 27/1/2021: Đi ngược với xu hướng thế giới?

Cập nhật giá vàng chiều nay 26/1/2021: Vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ

Giá vàng hôm nay 26/1/2021: Nhích từng bước

Giá vàng trong nước

Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 26/1 đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng giá vàng 9999 thêm 50-100 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.

Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 26/1, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 56,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,62 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,60 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,63 triệu đồng/lượng (bán ra).

3005-giavang271
Hình minh họa

Diễn biến được cho là doanh nghiệp kinh doanh đang có động thái thu gom vàng trước thời điểm nhu cầu vàng vật chất có xu hướng tăng lên vào dịp Tết, đặc biệt, theo phong tục mua vàng Ngày vía Thần Tài đề cầu tài lộc. Ngày vía Thần Tài năm nay sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 21/2 Dương lịch.

Giá vàng thế giới

Kết thúc phiên giao dịch lúc 1h00 ngày 27/1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay giảm 0,26% xuống 1.851 USD/ounce. Sau những dao động lên xuống nhẹ, giá vàng thế giới hiện niêm yết trên sàn giao dịch điện tử Kitco giảm 4 USD so với phiên liền trước, ở 1.852.2 - 1.853.2 USD/ounce.

Giá vàng thế giới cao hơn khoảng 22,1% (336 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 52,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều 26/1.

Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn nhấp nhổm tăng lên do đồng USD suy yếu và nhiều yếu tỗ hỗ trợ cho mặt hàng kim loại này.

Giới đầu tư tiếp tục đánh cược vào khả năng đồng bạc xanh suy yếu sau khi bà Janet Yellen được Thượng viện Mỹ thông qua đề cử giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trở thành thành viên chính thức thứ ba trong nội các của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới đã chững lại do giới đầu tư lo ngại khả năng gói kích thích kinh tế khổng lồ do tân Tổng thống Mỹ biden đề xuất sẽ không dễ dàng được thông qua. Mặc dù vậy, sự suy yếu của USD đã phần nào kìm hãm đà giảm của vàng. Thực tế, gói cứu trợ "khủng" trị giá 1.900 tỷ USD đang đối mặt với sự phản đối từ các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ vì cho rằng, gói kích thích quá đắt đỏ và đề nghị một gói cứu trợ quy mô nhỏ hơn, chủ yếu hướng đến việc phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Hiện nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng với khả năng “tuần trăng mật” của Tổng thống Biden có thể sẽ không kéo dài. Quốc hội Mỹ cũng như giới truyền thông có thể sẽ xem xét thận trọng các chính sách mới của vị Tân Tổng thống.

Hiện, vàng còn giảm giá bất chấp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm đáy 3 tuần. Lợi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Rủi ro rằng gói kích thích kinh tế có thể bị trì hoãn, khiến vàng lại bị lệ thuộc vào những quyết định bất ngờ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư lại đang chờ đợi quan điểm chính thức về các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai từ Fed. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ hiện nay, khi nền kinh tế vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19. Cuộc họp của Fed diễn ra trong hai ngày 26-27/1.

Giá vàng có thể bứt phá?

Như vậy, các nguyên tắc cơ bản vẫn ủng hộ vàng tăng giá, đặc biệt là chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm khắc phục hậu quả kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed vẫn sẽ được coi là nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi khi giá vàng tăng tốc luôn có một đợt giảm giá nhanh chóng theo sau. Đây chính xác là những gì đã xảy ra vào thứ Hai, khi vàng lần đầu tiên tăng trên 1.865 USD/ounce, nhưng ngay sau đó lại nhanh chóng tụt dốc chỉ trong một buổi sáng.

Chính diễn biến giá này đã khiến giá vàng bị mắc kẹt trong biên độ giao dịch rộng từ 1.800 đến 1.900 USD/ounce. Theo ý kiến của nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay đối với vàng không còn nhiệt tình như trước. Động lực cần thiết để đẩy giá vàng ra khỏi tình trạng hiện tại vẫn còn thiếu.

Thị trường kim loại quý rõ ràng đang chờ đợi một chất xúc tác có thể đưa vàng lên cao hơn hoặc thấp hơn, đó là lý do cuộc họp chính sách của Chủ tịch Fed Jerome Powell được giới đầu tư trông đợi.

Theo dự báo của Capital Economics, Fed có thể tận dụng cơ hội này để hạ thấp triển vọng của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, bất chấp khả năng sẽ sớm có thêm gói kích thích tài khóa, yếu tố có thể gây áp lực giảm giá mới đối với đồng USD và thúc đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là vàng. Đồng thời, Fed cũng có khả năng chỉ ra một số điểm yếu gần đây trong dữ liệu kinh tế Mỹ, điều này sẽ xác nhận thêm sự cần thiết của một chính sách tiền tệ hỗ trợ từ Ngân hàng trung ương.

Hiện xu hướng ngắn hạn của vàng nằm ở hai bên đường trung bình động 200 ngày, đứng ở khoảng 1.847,8 USD/ounce.

Tuy nhiên, vẫn không ít chuyên gia tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng, nhưng dự báo vàng có thể đi lên theo kiểu bậc thang, chứ không tăng nhanh như trước đó. Dù vậy, vàng được kỳ vọng sẽ vượt ngưỡng tâm lý 1.900 USD/ounce - mức đột phá quan trọng, khi gói kích thích kinh tế được thông qua.

Minh Phương

Tin liên quan