FRT: "Kỳ lân" mới của ngành bán lẻ dược phẩm và câu chuyện về nợ
Trong bối cảnh chuỗi nhà thuốc Long Châu trở thành động lực tăng trưởng chính, tỷ lệ vay nợ/ vốn chủ sở hữu tiếp tục được FRT duy trì ở mức tương đối cao, điều này phần nào phản ánh định hướng duy trì sử dụng đòn bẩy tài chính để thúc đẩy tăng trưởng.
Liên tục mở rộng mạng lưới
Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) được thành lập vào năm 2007, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng thông qua hệ thống FPT Shop. Từ năm 2019, công ty mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Về cơ cấu cổ đông, Công ty CP FPT (HOSE: FPT) hiện là cổ đông lớn nhất của FRT với tỷ lệ sở hữu 46,54%, tương ứng 63.400.650 cổ phần. Xếp sau là Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam với tỷ lệ nắm giữ 11,03%, phần còn lại thuộc về các tổ chức và cá nhân khác.
.png)
Tính đến nay, FRT đã phát triển mạng lưới nhà thuốc Long Châu với 2.022 nhà thuốc trên khắp cả nước, tăng 435 cửa hàng so với cùng kỳ và trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ dược phẩm nổi bật tại Việt Nam.
FRT cũng sở hữu chuỗi 628 cửa hàng FPT shop (giảm 115 cửa hàng so với cùng kỳ) chuyên cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại, laptop, máy tính bảng, phụ kiện… Bên cạnh đó, chuỗi tiêm chủng Long Châu cũng được mở rộng lên 144 trung tâm, tăng thêm 93 trung tâm so với cùng kỳ.
.png)
Tăng trưởng mạnh dựa trên đòn bẩy tài chính
Năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FRT lần lượt có giá trị 40.104,49 tỷ đồng và 408,41 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của FRT trong 2024 có sự cải thiện mạnh mẽ so với năm 2023 với giá trị nhờ chuỗi Long Châu có nhiều đóng góp tích cực.
.png)
Sang Q1/2025, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt giá trị 11.670 tỷ đồng và 273 tỷ đồng, tăng trưởng 29% và 207% so với cùng kỳ.
.png)
Đáng chú ý, doanh thu theo kênh online trong kỳ đạt giá trị 2.146 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng giai đoạn, điều này cho thấy doanh nghiệp cũng đã phần nào thành công trong việc tận dụng xu hướng mua sắm trực tuyến và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
.png)
Xét về cấu trúc tài chính, kết thúc Q1/2025, tổng nguồn vốn của FRT có giá trị 16.636,13 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, tỷ trọng các khoản vay nợ ngắn hạn/ tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đạt 53,49%, tương ứng 8.899,11 tỷ đồng và tiếp tục chiếm tỷ trọng tương đối cao trong cấu trúc nguồn vốn so với các giai đoạn trước đó.
.jpg)
Giá trị vay nợ ngắn hạn chủ yếu là các khoản vay tín chấp không có tài sản đảm bảo, thời gian đáo hạn dưới 1 năm. Lãi suất trung bình các khoản vay khoảng 4,32%/năm.
Với việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao, điều này cho thấy FRT đang muốn tận dụng nguồn vốn vay ngắn hạn để mở rộng quy mô thị phần chuỗi Long Châu một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chiến lược này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu khả năng sinh lời không đạt kỳ vọng, bởi việc duy trì tỷ lệ vay nợ cao có thể gây áp lực lên tình hình tài chính cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thanh khoản của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Nhận định thị trường chung, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT được đánh giá hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ hai đối thủ chính đó là Pharmacity và An Khang. Pharmacity với mạng lưới hơn 1000 cửa hàng rộng khắp và nền tảng công nghệ bán hàng online phát triển mạnh mẽ, trong khi An Khang cũng không kém cạnh với 326 cửa hàng, đặc biệt chú trọng đến mảng dịch vụ khách hàng và kênh doanh thu online.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/5, CP FRT được giao dịch ở mức 172.600 đ/CP, khối lượng khớp lệnh hơn 300.000 đơn vị.