Eximbank: Chủ tịch Lê Minh Quốc bất chấp nguyên tắc, không tôn trọng cổ đông?

Cập nhật: 15:10 | 05/05/2019 Theo dõi KTCK trên

Là thành viên HĐQT độc lập, ngay từ ngày đầu tham gia Eximbank, ông Lê Minh Quốc đã đem lại cho Eximbank những bất ổn, những nghi vấn về sự “độc lập”, về sự gắn kết giữa ông Quốc với một nhóm cổ đông.

eximbank chu tich le minh quoc bat chap nguyen tac khong ton trong co dong Lợi nhuận giảm, cổ đông vắng: Eximbank hoãn ĐHCĐ

Chủ tịch vắng nhiều cuộc họp?

Còn nhớ Đại hội cổ đông Eximbank năm 2015, nhiều cơ quan báo chí đưa tin ban đầu kết quả kiểm phiếu dành cho ông Lê Minh Quốc là 45,76%, không đạt số phiếu cần thiết (trên 51%) để trở thành thành viên HĐQT. Theo thông tin từ một số cổ đông phản ánh tới báo chí lúc đó sau khi kết quả công bố, bà Ngô Thu Thúy (là một cổ đông) đã vào phòng kiểm phiếu và kết quả được công bố lại ngay sau đó, ông Quốc đạt số phiếu bầu là 58,11 %, đủ số phiếu trở thành thành viên HĐQT. (?!). Không những trở thành thành viên HĐQT trong “hiệp phụ”, ông Lê Minh Quốc còn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngay sau đó.

Là chủ tịch HĐQT, ông Lê Minh Quốc phải điều hành hoạt động, tổ chức thông qua nghị quyết của HĐQT. Là thành viên độc lập, ông Lê Minh Quốc phải đảm bảo khách quan, cân bằng lợi ích của các cổ đông, đặt lợi ích của Eximbank lên trên hết, triệt để tuân thủ các quy định về quản trị, về bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cổ đông.

eximbank chu tich le minh quoc bat chap nguyen tac khong ton trong co dong

Trên thực tế, ông Lê Minh Quốc đã liên tục tự ý hủy hoặc vắng mặt tại nhiều cuộc họp HĐQT trong nhiều tháng qua. Ngay trong thời điểm Eximbank đang phải giải quyết những vấn đế cấp bách, hệ trọng như: Hợp đồng lao động với Tổng giám đốc (đại diện theo pháp luật) của Eximbank hết hạn; chuẩn bị cho họp ĐHCĐ năm 2019; Chuẩn bị cho phiên tòa tranh chấp với “đại gia” Chu Thị Bình, mà Eximbank phải chịu thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; xem xét về ý kiến của Ủy ban độc lập và các nhà tư vấn nước ngoài đánh giá, kiến nghị về hoạt động của Eximbank…

Nhiều thành viên HĐQT Eximbank nhiều lần yêu cầu ông Quốc triệu tập họp, bổ sung chương trình họp HĐQT để giải quyết các nội dung cấp bách, nhưng ông Quốc đều từ chối, bất chấp các quy định pháp luật, bất chấp các vấn đề Eximbank đang phải đối mặt. Rất nhiều tài liệu họp ĐHCĐ 2019 đã thiếu, không đầy đủ, hoặc nội dung không đạt yêu cầu, được công bố sát ngày họp, vi phạm quy định pháp luật như: Dự thảo Điều lệ, Tờ trình về việc đầu tư trụ sở, Báo cáo của HĐQT … Đây là điều không thể chấp nhận được với hàng ngàn cổ đông Eximbank nhiều năm qua phải chịu thiệt hại do kết quả kinh doanh yếu kém của ngân hàng.

Yêu cầu ông Quốc triệu tập họp, bổ sung chương trình họp để xử lý các vấn đề cấp bách của ngân hàng không thành, căn cứ quyền của mình theo luật định, một số thành viên HĐQT đã triệu tập họp và 7/10 thành viên đã quyết định bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc. Dù được thông báo trước, ông Quốc tiếp tục vắng mặt tại cuộc họp này. Không khiếu nại với HĐQT, Đại hội đồng cổ đông, ông Quốc kiện thẳng ra Tòa, yêu cầu Tòa tạm dừng quyết định bãi nhiệm ông Quốc. Các thành viên HĐQT tiếp tục đề nghị tổ chức họp HĐQT để xem xét về Nghị quyết bãi nhiệm ông Quốc, nhưng chính ông Quốc lại từ chối tổ chức họp.

Chủ tịch không “thuộc bài”?

Theo quy định của pháp luật và Điều lệ Eximbank, Chủ tịch phải triệu tập họp HĐQT khi có đề nghị của ít nhất hai thành viên. Thành viên có quyền đề nghị, Chủ tịch có nghĩa vụ triệu tập họp mà không được từ chối. Các quyết định trong cuộc họp thuộc quyền của HĐQT. Trước nhiều đề nghị của các thành viên, ông Lê Minh Quốc tự ý đưa ra nhận định và từ chối triệu tập họp.

Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản, cổ đông chiến lược, sở hữu 15% vốn Eximbank. Ngày 22/4/2019, SMBC có văn bản gửi HĐQT kiến nghị đưa một số vấn đề vào chương trình ĐHCĐ 2019. Nhiều thành viên HĐQT đồng ý với ý kiến của SMBC và đề nghị ông Quốc tổ chức thông qua quyết định của HĐQT để trình ĐHCĐ vào ngày 26/4/2019.

Theo nhiều thành viên HĐQT và cổ đông, các kiến nghị của SMBC là cần thiết, thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, đặc biệt là việc đánh giá tín nhiệm các thành viên HĐQT. Theo Luật, các kiến nghị của SMBC phải được HĐQT xem xét thông qua và trình ĐHCĐ quyết định bổ sung chương trình họp. Ông Quốc không tổ chức thông qua quyết định của HĐQT. Không những thế, ông Quốc tự ý làm văn bản trả lời các kiến nghị của SMBC là “chưa phù hợp”, “không thể đồng ý” … Văn bản trả lời của ông Quốc cho SMBC là trái thẩm quyền và không có căn cứ.

Ngay cả với Ban Kiểm soát, cơ quan có quyền giám sát hoạt động của HĐQT, ông Quốc cũng bất chấp các nguyên tắc. Trước thực trạng của Eximbank, với trách nhiệm của mình, Ban kiểm soát đã có nhiều khuyến nghị gửi HĐQT, thậm chí có báo cáo gửi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Theo luật định, chỉ có ĐHCĐ mới có quyền đánh giá và thông qua các báo cáo của Ban kiểm soát. Tuy nhiên, trước các thông tin bất lợi cho mình thì ông Quốc tự đưa ra đánh giá báo cáo của Ban kiểm soát là “không trung thực”.

Chưa dừng lại ở đó, trước khi họp ĐHCĐ vào ngày 26/4/2019, không thông qua HĐQT, ông Quốc tự ý mời họp một số cổ đông mà ông Quốc tự coi là “quan trọng” để bàn trước về ĐHCĐ. Theo thông tin từ cổ đông, nói là bàn trước, nhưng ông Quốc lại đề nghị các cổ đông hoãn Đại hội để tổ chức vào ngày khác. Cuộc họp do ông Quốc tự ý tổ chức đã bị nhiều thành viên HĐQT và cổ đông phản ứng. ĐHCĐ sau đó đã không thể diễn ra vì không đủ tỷ lệ.

Với “thuyền trưởng” như ông Lê Minh Quốc, “con tàu” Eximbank sẽ đi về đâu?

Theo antt.vn