Chuyển động

Dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam bước vào giai đoạn then chốt, ứng viên họ nhà Vin được tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp thêm nguồn lực tài chính

Linh Đan 12/07/2025 04:00

Doanh nghiệp này đang liên tục được tiếp thêm tiềm lực để bước vào cuộc đua tỷ đô tại dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD, đang từng bước tiến vào giai đoạn triển khai sau khi Quốc hội chính thức chấp thuận cơ chế đối tác công tư (PPP) và đầu tư kinh doanh. Dự án được kỳ vọng không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai miền, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển hạ tầng hiện đại, góp phần định hình lại không gian kinh tế quốc gia.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 9/7 vừa qua, dự án sẽ khởi công giải phóng mặt bằng vào ngày 19/8/2025 – đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Song song, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được trình vào tháng 8/2026 và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 9 cùng năm. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu sẽ được thực hiện sau đó, để có thể khởi công dự án trước cuối năm 2026 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

duongsatcaotocbacnam78.png
VinSpeed đang cho thấy doanh nghiệp không tham gia cuộc đua chỉ để “thử sức”

Vingroup liên tục tăng tiềm lực cho VinSpeed

Trong bối cảnh đó, Vinspeed – doanh nghiệp thành viên mới trong hệ sinh thái Vingroup đang nổi lên như một ứng viên sáng giá trong cuộc đua giành quyền tham gia siêu dự án này. Mới được thành lập từ đầu tháng 5/2025, VinSpeed hoạt động trong các lĩnh vực thi công đường sắt, sản xuất đầu máy – toa xe, và phát triển công nghệ liên quan đến hạ tầng vận tải tốc độ cao.

Bước đi cho thấy quyết tâm lớn đến từ Tập đoàn Vingroup chính là việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hai lần chuyển nhượng tổng cộng 135,6 triệu cổ phiếu VIC – tương đương 3,5% vốn điều lệ của tập đoàn – sang Vinspeed chỉ trong tháng 6. Với giá trị thị trường tại thời điểm chuyển nhượng lên tới 14.645 tỷ đồng, đây là khoản “tiếp sức vốn” gấp hơn 2 lần vốn điều lệ hiện hữu của Vinspeed (6.000 tỷ đồng), giúp công ty gia tăng đáng kể tiềm lực tài chính trước thời điểm lựa chọn nhà đầu tư.

Đáng chú ý, cổ phiếu VIC cũng vừa lập đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 11/7, tăng mạnh 6,3% lên 108.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa Vingroup vượt mốc 400.000 tỷ đồng – trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ hai sàn chứng khoán, chỉ sau Vietcombank.

Động lực tài chính ngày càng củng cố là nền tảng để Vinspeed theo đuổi kế hoạch táo bạo: Đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức 61,35 tỷ USD, cộng với chi phí giải phóng mặt bằng là 67 tỷ USD. Doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành trong 5 năm, cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 12,27 tỷ USD) và kiến nghị được vay 80% còn lại từ nguồn vốn nhà nước với lãi suất 0% trong 30 năm, hoàn trả toàn bộ sau thời gian này.

Bên cạnh đề xuất về vốn, VinSpeed cũng kiến nghị được chỉ định phát triển một số dự án bất động sản, đô thị tại các khu vực quanh nhà ga – nhằm tận dụng quỹ đất và tạo động lực tài chính bù đắp cho phần vay đầu tư. Đây là một mô hình thường thấy tại các quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc phát triển, nơi mà bất động sản quanh nhà ga trở thành động lực hỗ trợ cho tài chính dự án hạ tầng.

Với sự hậu thuẫn từ Vingroup, tiềm lực tài chính đang gia tăng và chiến lược bài bản từ rất sớm, VinSpeed đang cho thấy họ không tham gia cuộc đua chỉ để “thử sức”. Trong trường hợp Chính phủ chấp thuận phương án vay ưu đãi và giao cơ chế triển khai phù hợp, doanh nghiệp này hoàn toàn có thể trở thành bên tiên phong trong việc đưa đường sắt cao tốc tại Việt Nam thành hiện thực.

Không phải cái tên duy nhất

Tuy nhiên, VinSpeed không phải cái tên duy nhất bày tỏ tham vọng với dự án tỷ đô. THACO (Tập đoàn Trường Hải) cũng đã chính thức gửi đề xuất tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam trị giá khoảng 61,35 tỷ USD (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Ngoài ra còn có Liên danh Mekolor – Great USA với cam kết tự huy động 100 tỷ USD, đề xuất hoàn thành tuyến trong 5 năm. Xây dựng Thăng Long Quốc gia và Vận tải Đường sắt Việt Nam (VNR) cũng đã gửi hồ sơ sơ bộ.

Nhiều nhà thầu hàng đầu như Đèo Cả, Fecon, Lizen… cũng đang tích cực chuẩn bị về nhân lực, công nghệ tín hiệu, thi công ngầm và chuyển giao vũ khí thiết bị để sẵn sàng tiếp cận các cấu phần của dự án

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ là bài kiểm tra toàn diện với năng lực của khu vực tư nhân Việt Nam – từ khả năng tài chính, công nghệ cho đến cách thức tổ chức, vận hành và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong khi thời gian chuẩn bị ngày càng rút ngắn, những gì VinSpeed và các doanh nghiệp lớn khác đang làm cho thấy, cuộc đua không còn là kỳ vọng xa xôi – mà đang bước vào giai đoạn chuẩn bị quyết liệt và thực chất.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam bước vào giai đoạn then chốt, ứng viên họ nhà Vin được tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp thêm nguồn lực tài chính
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO