Chuyển động

Bận rộn khi hợp tác với Hòa Phát, Vingroup, doanh nghiệp này vẫn mạnh dạn bắt tay đối tác Trung Quốc xin làm công trình đường sắt trọng điểm

Nguyên Nam 11/07/2025 04:00

Liên tiếp trúng thầu loạt dự án lớn cùng đề xuất tham gia metro số 2, doanh nghiệp này còn đang âm thầm chuẩn bị bước vào sân chơi đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Quý II/2025 đánh dấu một giai đoạn khởi sắc mạnh mẽ của Công ty CP FECON (HoSE: FCN) khi doanh nghiệp liên tiếp ký kết hàng loạt hợp đồng xây dựng quy mô lớn. Không chỉ mở rộng hiện diện tại các đô thị và khu công nghiệp trọng điểm, FECON còn đang từng bước khẳng định nguyện vọng tham gia sâu vào các dự án hạ tầng quốc gia, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD.

duongsatcaotoc42.png
Không chỉ đóng vai trò nhà thầu truyền thống, FECON thời gian gần đây còn chủ động cùng các đối tác đề xuất triển khai các dự án trọng điểm theo mô hình EPC

Theo thông tin từ doanh nghiệp, trong quý II, tổng giá trị các gói thầu mà FECON và các công ty thành viên trúng đã lên tới 1.310 tỷ đồng. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, con số này đã vượt mốc 3.500 tỷ đồng – phản ánh sức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh thị trường xây dựng vẫn còn nhiều biến động.

Một số dự án đáng chú ý có thể kể đến như gói thầu thi công trị giá 500 tỷ đồng tại khu đô thị mới Thuận Phước (Đà Nẵng), hay gói hơn 435 tỷ đồng tại dự án tổ hợp bãi đỗ xe và văn phòng công nghệ tại khu đất A5 đường Cổ Linh, Hà Nội.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái FECON cũng ghi nhận các hợp đồng với tổng giá trị gần 200 tỷ đồng từ các chủ đầu tư lớn như Vingroupvà Hòa Phát – tập trung vào thi công cọc khoan nhồi, xử lý nền đất yếu và hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, nhà máy điện rác...

Không chỉ đóng vai trò nhà thầu truyền thống, FECON thời gian gần đây còn chủ động cùng các đối tác đề xuất triển khai các dự án trọng điểm theo mô hình EPC. Mới đây, liên danh gồm FECON, Đèo Cả, PowerChina và Sucgi (Trung Quốc) đã đề xuất với UBND TP.HCM được tham gia đầu tư, xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cùng các tuyến metro khác. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 188/2025/QH15 cho phép TP.HCM áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh phát triển đường sắt đô thị.

Theo phương án mà liên danh đưa ra, các doanh nghiệp Việt như Đèo Cả và FECON sẽ đóng vai trò chủ lực trong khâu thi công. Hệ thống TBM (máy đào hầm) cùng đội ngũ kỹ thuật đã được đào tạo bài bản sẽ được huy động nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập.

Tuy nhiên, tham vọng của FECON không dừng lại ở metro. Chia sẻ tại chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” phát sóng trên VTV1, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT khẳng định FECON đang đặt mục tiêu tham gia vào tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đây là siêu dự án với vốn đầu tư lên tới 67 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cục diện hạ tầng giao thông quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ năm 2017, FECON đã tiếp nhận công nghệ từ các quốc gia hàng đầu như Đức, Ý trong lĩnh vực xử lý nền móng, tường vây, chống thấm và thi công hầm ngầm trong đô thị. Những công nghệ này hoàn toàn có thể ứng dụng vào dự án đường sắt tốc độ cao”, ông Khoa cho biết.

Với nền tảng kỹ thuật đã được kiểm chứng qua nhiều công trình ngầm lớn và mạng lưới quan hệ hợp tác rộng rãi trong và ngoài nước, FECON đang có những bước đi chắc chắn để không chỉ trở thành nhà thầu xây dựng, mà còn là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái phát triển đường sắt cao tốc của Việt Nam trong tương lai gần.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Bận rộn khi hợp tác với Hòa Phát, Vingroup, doanh nghiệp này vẫn mạnh dạn bắt tay đối tác Trung Quốc xin làm công trình đường sắt trọng điểm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO