Dòng tiền lớn đón đầu một chương mới tại Sacombank (STB)?
Cổ phiếu STB bất ngờ tăng dựng đứng khi Sacombank tiến gần đến việc xử lý xong khoản cổ phần 32,5% đang bị phong tỏa tại VAMC. Nếu hoàn tất, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong quá trình tái cơ cấu kéo dài gần một thập kỷ của ngân hàng này.
Ngay khi thị trường mở cửa phiên sáng 21/5, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bất ngờ bật tăng dựng đứng, nhanh chóng leo lên mức giá trần 28.450 đồng/cổ phiếu. Đà tăng mạnh kèm thanh khoản cao khiến STB trở thành tâm điểm của sàn HoSE, với hơn 24 triệu đơn vị được khớp chỉ trong buổi sáng – cao thứ hai toàn thị trường sau VPB.
Phiên trước đó, cổ phiếu STB cũng tăng 1,28%. Vốn hóa thị trường của Sacombank hiện đã vượt 79.000 tỷ đồng, đưa ngân hàng trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng tầm trung có ảnh hưởng lớn tới VN-Index.

Giới đầu tư đang đặc biệt chú ý tới diễn biến giá STB không chỉ vì lực cầu đột biến, mà còn bởi dấu hiệu tích cực từ quá trình xử lý khoản cổ phần “bị phong tỏa” tại VAMC – rào cản pháp lý từng đè nặng lên cổ phiếu này suốt nhiều năm qua. Theo cập nhật mới nhất từ SSI Research, Sacombank đã chính thức trình phương án đấu giá gần 604,9 triệu cổ phiếu STB, tương đương 32,5% vốn điều lệ, hiện do Công ty Quản lý tài sản VAMC đang nắm giữ liên quan đến khoản nợ cũ của ông Trầm Bê. Giá mục tiêu đấu giá đặt ra là 33.162 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 16% so với giá thị trường hiện tại.
Khoản cổ phần này được xem là nút thắt lớn nhất trong hành trình tái cơ cấu của Sacombank. Ước tính giá trị gốc và lãi vay đến cuối năm 2024 vào khoảng 20.100 tỷ đồng, còn tổng nghĩa vụ thanh toán – bao gồm lãi phạt và các khoản chi phí tài chính liên quan – có thể lên tới 57.600 tỷ đồng. Nếu thương vụ đấu giá thành công, Sacombank sẽ chính thức hoàn tất nghĩa vụ với VAMC và giải phóng toàn bộ “phần vốn bị phong tỏa” kéo dài từ thời kỳ tái cơ cấu hậu sáp nhập Southern Bank.
Đây là thông tin mang tính chất “mở khóa” đối với định giá cổ phiếu STB. Trong nhiều năm qua, việc VAMC nắm giữ hơn 32% cổ phần khiến khả năng phát hành tăng vốn, chi trả cổ tức hay thu hút nhà đầu tư chiến lược của Sacombank đều bị giới hạn. Một khi cổ phần này được xử lý dứt điểm, STB sẽ trở lại vị thế đầy đủ của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn, với quyền chủ động trong chiến lược tài chính, quản trị và tăng trưởng vốn.
Không chỉ có kỳ vọng về mặt pháp lý, Sacombank cũng đang ghi nhận cải thiện đáng kể trong hoạt động kinh doanh. Kết thúc quý I/2025, ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 4,6% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ hơn 564.000 tỷ đồng. Biên lãi ròng (NIM) tăng mạnh lên 3,83%, mức cao trong nhóm ngân hàng có quy mô tương đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2025 dự kiến đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái, theo SSI.

Dù vậy, một số chỉ số vẫn cho thấy áp lực cần cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý I tăng nhẹ lên 2,51%, trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 10.000 tỷ đồng. Chi phí tín dụng dự kiến vẫn ở mức cao do ngân hàng đang dồn lực xử lý dứt điểm nợ cũ. Tuy nhiên, với khoản hoàn nhập dự phòng hơn 1.200 tỷ đồng dự kiến ghi nhận trong quý II, Sacombank có cơ sở để cân bằng áp lực chi phí và lợi nhuận.
Giới phân tích cho rằng, nếu xử lý thành công khoản cổ phần tại VAMC trong năm nay, STB sẽ chính thức khép lại hành trình tái cơ cấu kéo dài gần một thập kỷ, mở ra giai đoạn mới với định giá hấp dẫn hơn. Kỳ vọng vào việc ngân hàng “thoát phong tỏa” cũng đang là yếu tố chính tạo động lực cho cổ phiếu STB bứt phá trong ngắn hạn.