Báo cáo - Phân tích

Sacombank (STB) sắp thoát “phong tỏa” tại VAMC: Cơ hội mới cho nhà đầu tư?

Anh Vũ 19/05/2025 08:45

Sacombank (STB) đang tiến gần tới bước ngoặt tái cấu trúc quan trọng khi chuẩn bị xử lý hơn 600 triệu cổ phiếu bị phong tỏa tại VAMC. Nếu thành công, ngân hàng sẽ hoàn tất tái cơ cấu và mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn.

Sau nhiều năm kiên trì với lộ trình tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) đang dần tiến tới giai đoạn ổn định tài chính và bứt tốc lợi nhuận. Theo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán SSI, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm bản lề đối với Sacombank – không chỉ ở kết quả kinh doanh tích cực mà còn ở việc giải quyết các tồn đọng tài chính lâu năm, mở đường cho giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.

Kết thúc quý I/2025, STB ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 4,6% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ hơn 564.000 tỷ đồng. Động lực chính đến từ các lĩnh vực có trọng số cao như sản xuất, chế biến chế tạo (+6,2%) và bất động sản (+4,6%). Ngược lại, cho vay tiêu dùng sụt giảm 4,1%, phản ánh tâm lý thận trọng của khách hàng trước môi trường lãi suất dù đang thấp nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

s1.jpg
Nguồn: STB, SSI Research

Về chất lượng tài sản, STB vẫn đang đối mặt với áp lực nhất định. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,51% vào cuối quý I, từ mức 2,4% cuối năm 2024. Trong đó, nợ Nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – chiếm 1,8%, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. SSI dự báo chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong những quý tới, mặc dù việc hoàn nhập 1,2 nghìn tỷ đồng dự phòng trong quý II/2025 có thể phần nào bù đắp cho chi phí này.

Một điểm tích cực là biên lãi ròng (NIM) trong quý I/2025 đạt 3,83%, tăng mạnh 29 điểm cơ bản so với quý trước – một trong những mức cải thiện cao nhất trong ngành. Điều này chủ yếu đến từ việc tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) tăng và các khoản vay mua nhà bước vào giai đoạn lãi suất thả nổi sau ưu đãi. Tuy nhiên, do cho vay mua nhà chỉ chiếm khoảng 5–6% tổng dư nợ, SSI cho rằng đà cải thiện lợi suất tài sản sẽ không kéo dài lâu, đặc biệt khi cạnh tranh lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng.

Điểm nhấn lớn nhất trong năm 2025 với STB là khả năng xử lý thành công khoản cổ phần 32,5% bị phong tỏa tại VAMC, tương đương khoảng 604,9 triệu cổ phiếu STB liên quan đến các khoản vay cũ của ông Trầm Bê. Giá trị gốc và lãi vay tính đến năm 2024 ước tính lên tới 20.100 tỷ đồng, trong khi tổng nghĩa vụ lãi, bao gồm cả phí phạt chậm thanh toán, có thể lên tới 57.600 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo STB đã trình phương án đấu giá số cổ phần này với giá mục tiêu khoảng 33.162 đồng/cp để có thể tất toán đầy đủ khoản nợ. Theo SSI, nếu xử lý thành công, đây sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu bước cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu STB, đồng thời giải phóng hoàn toàn rào cản pháp lý trong chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.

s2.jpg
Đến năm 2023, STB không còn trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC. Số dư ròng phản ánh khoản thu hồi nhưng chưa được ghi nhận

Về triển vọng tài chính, SSI dự báo STB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2025 đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến 13,5% và chi phí tín dụng giảm nhẹ xuống còn 0,28%. Dù NIM dự kiến suy giảm còn 3,56%, ngân hàng vẫn còn dư địa tăng huy động thông qua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn 20% tương đương 44.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động được dự báo tăng do kế hoạch tái cơ cấu nhân sự, khiến tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) duy trì ở mức tương đối cao 48,5% trong năm 2025. Sang năm 2026, triển vọng trở nên lạc quan hơn với dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 17.800 tỷ đồng (+21,5%), nhờ chất lượng tài sản cải thiện và xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu còn tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu theo đó sẽ giảm xuống mức 2,2%.

Về định giá, SSI điều chỉnh cơ sở sang năm 2026, sử dụng mức P/B mục tiêu là 1,2 lần, đưa ra giá mục tiêu một năm là 47.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với upside 19,6% so với thị giá hiện tại. SSI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu STB, nhấn mạnh rằng việc xử lý triệt để cổ phần bị phong tỏa tại VAMC và thu hồi nợ tại KCN Phong Phú sẽ tạo lực đẩy lớn cho định giá.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Sacombank (STB) sắp thoát “phong tỏa” tại VAMC: Cơ hội mới cho nhà đầu tư?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO