Doanh nghiệp dệt may "đói" đơn hàng, cổ phiếu trên sàn "án binh bất động"

Cập nhật: 11:03 | 01/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Đến nay, đa phần các doanh nghiệp dệt may đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu và lãi ròng đi lùi so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chính tới từ tình trạng khan hiếm đơn hàng và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế...

Ảm đạm kết quả kinh doanh

Công ty CP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần đạt vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, giảm tới 99,92% so với cùng kỳ năm trước. Do không ghi nhận chi phí giá vốn, GMC lãi gộp hơn 100 triệu đồng. Tương tự, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm 89% còn lại 1 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí khác, Garmex Sài Gòn lỗ trước thuế hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 14 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ghi nhận hơn 12 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 4 quý liên tiếp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn đạt xấp xỉ 8,1 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, sụt giảm 94,25% so với mức doanh thu thuần đạt được trong nửa đầu năm 2022 (tương ứng giảm 131 tỷ đồng). Cùng kỳ năm ngoái, công ty đạt 264,2 tỷ đồng doanh thu thuần. Cũng trong nửa đầu năm, Garmex Sài Gòn báo lỗ sau thuế hợp nhất 33,1 tỷ đồng so với mức lãi 4,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Doanh nghiệp dệt may
Tình trạng khan hiếm đơn hàng và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế là những nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả kinh doanh của nhóm ngành dệt may ảm đạm

Với "ông lớn" Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), quý II/2023 TCM báo doanh thu thuần đạt khoảng 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng theo đó chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm mạnh xấp xỉ 25 lần, đánh dấu mức lãi hàng quý thấp nhất của công ty kể từ quý IV/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.590 tỷ đồng, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 55% so cùng kỳ, đạt hơn 57 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Là doanh nghiệp đầu nguồn, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng không là ngoại lệ khi báo doanh thu thuần quý II đạt 407,3 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 36 tỷ và hơn 37,5 tỷ đồng, giảm 52,7% và 47,9% cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu đạt gần 695,2 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt hơn 39,1 tỷ đồng, giảm 73,5%.

Hay như Tổng công ty May 10 - Công ty CP (M10) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với lợi nhuận chỉ hơn 22 tỷ đồng, giảm 19% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của May 10 đạt 1.900 tỷ đồng và lãi ròng 45,4 tỷ đồng, đều giảm 9% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế đạt gần 55 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp dệt may khác cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2023 "kém sắc" như Công ty CP May Hữu Nghị (HNI), Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (TDT), Dệt may Huế (HDM)…

"Đói" đơn hàng - cổ phiếu đi ngang

Có thể thấy, kết quả kinh doanh của nhóm ngành dệt may tương đối ảm đạm nguyên nhân chính tới từ tình trạng khan hiếm đơn hàng và ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may trong nước đã và đang chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD, cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...

Dệt may Thành Công cho biết, do suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU, khiến tình hình xuất khẩu của công ty sang các khu vực này giảm sút so với cùng kỳ dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Theo đó, ngành dệt may đã trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

Bên cạnh đó, lãnh đạo May 10 cũng đưa ra dự đoán tháng 9, 10 tới sẽ là thời gian thấp điểm, đơn hàng bị giảm sút bởi tính đặc thù mùa vụ.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp dệt may đối diện với khó khăn không chỉ về "đói" đơn hàng mà cả về đơn giá. Nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV tới. Bởi thế, doanh nghiệp phải chấp nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình.

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho hay, đơn giá hiện đã giảm rất sâu, thậm chí có những đơn giá giảm trên 50% so với bình thường. Điều này khiến các doanh nghiệp dệt may đã khó khăn càng thêm khó khăn.

"Hiện, doanh nghiệp chỉ mong có đơn hàng để cầm cự chứ không nói đến việc lựa chọn đơn hàng, điều khác hẳn so với trước đây", đại diện VITAS nhấn mạnh.

Mặt khác, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong vòng 22 năm qua, thậm chí để ngỏ khả năng tiếp tục tăng thêm một lần nữa trong năm nay, được đánh giá sẽ khiến các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu Việt Nam chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Trên thị trường chứng khoán, ngược với thị trường chung khởi sắc, cổ phiếu ngành dệt may đang có dấu hiệu giảm xuống và có xu hướng đi ngang, như: TCM, M10, GMC, HTG, HNI, TDT…

Trước đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 khi tình hình xuất khẩu chưa mấy khởi sắc, nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm dệt may đã có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá về mức phù hợp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã cho thấy sự tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh khi đơn hàng các quý tới đang có dấu hiệu phục hồi đã giúp dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong trường hợp sản lượng hồi phục, kết hợp với biên lợi nhuận đã và đang dần cải thiện, kỳ vọng sẽ giúp cho ngành dệt may bùng nổ và ghi nhận dấu ấn trong năm 2023, tạo điều kiện cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn chưa thực sự khởi sắc cùng những dự báo "kém sáng" của ngành dệt may cuối năm, rất có thể cổ phiếu nhóm dệt may chưa thể "trở mình" trong ngắn hạn...

Tổng giám đốc Dệt may TNG muốn mua vào 1 triệu cổ phiếu công ty

Hiện vị Tổng giám đốc của TNG đang nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu, là cổ đông lớn thứ 2 của công ty sau ...

Uỷ viên HĐQT Đầu tư và Thương mại TNG đăng ký bán 1,2 triệu cổ phiếu

Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) mới thông báo giao dịch của người nội bộ Công ty.

Dệt may TNG giải thể cùng lúc 2/3 công ty con

Cả hai công ty con chuẩn bị "khai tử" đều có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, đồng thời, do đích thân ông Nguyễn Văn ...

Nguyên Nam

Tin liên quan