Doanh nghiệp cao su “ăn nên làm ra” trong quý 1

Cập nhật: 14:49 | 13/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Việc giá xuất khẩu cao su Việt Nam tăng cao đã giúp kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp ngành cao su trở nên tích cực.

Cục Thuế Hà Nội “bêu tên” hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế đất

Lộ diện 10 doanh nghiệp có lãi cao nhất quý 1: Hòa Phát lần đầu tiên “lên đỉnh”

4413-doanh-nghiyp-cao-su
Doanh nghiệp cao su “ăn nên làm ra” trong quý 1. (Ảnh minh họa)

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý I/2021 đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua với khối lượng lên tới 406.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng mạnh 77% về lượng và tăng 102% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu cao su thế giới phục hồi đã kéo theo giá xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, đạt bình quân 1.752 USD/tấn trong tháng 3/2021, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này đánh dấu tháng tăng giá xuất khẩu thứ 9 liên tiếp của mặt hàng cao su.

Kết thúc quý 1, doanh thu và lợi nhuận đều khả quan

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ghi nhận tổng doanh thu tăng 77% so với cùng kỳ năm trước lên 4.850 tỷ đồng, phần lớn nhờ sản xuất và kinh doanh mủ cao su.

Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt 1.216 tỷ đồng và giúp GVR thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 818 tỷ đồng.

Theo giải trình, nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng cao, đồng thời, sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng đã nâng lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị thành viên cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

3837-cao-su-1
Kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp cao su. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2021 của các doanh nghiệp)

Tiếp đến là CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), doanh nghiệp niêm yết lớn thứ hai về quy mô trong ngành đã báo lãi tăng trưởng đến 89% so với quý 1/2020. Doanh thu thuần đạt 201 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý đã đạt 1.672 tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.319 tấn. Giá bán bình quân cũng cao hơn 25% khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty tăng trưởng.

Với trường hợp của CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR), doanh thu thuần cũng tăng trưởng so với cùng kỳ, ghi nhận 280 tỷ đồng. Song, do hụt tiền đền bù đất (năm ngoái ghi nhận 156 tỷ đồng thu tiền bồi thường thực hiện dự án) nên lợi nhuận giảm còn 88 tỷ đồng.

Có 2 trường hợp chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi, CTCP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) từ trạng thái lỗ hơn 10 tỷ đồng quý I/2020 đã chuyển sang lãi gần 37 tỷ đồng sau thuế ngay sau quý 1/2021. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể từ 16% lên 29%.

Tương tự, CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (Mã: DRI) cũng chuyển trạng thái từ lỗ hơn 9 tỷ đồng quý 1/2020 sang lãi 16 tỷ đồng sau thuế.

Còn với CTCP Cao su Thống Nhất (Mã: TRC) ghi nhận lợi nhuận đi lùi 72% song không phải sự sụt giảm từ hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân do quý 1 năm ngoái, công ty đã nhận hơn 22 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Phân bón Bà Rịa.

Hoàng Hà