Doanh nghiệp bất động sản trên sàn vượt khó thời Covid

Cập nhật: 16:11 | 07/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản trên sàn niêm yết gặp vô vàn khó khăn khi đại dịch covid-19 xuất hiện, họ càng lao đao hơn khi liên tiếp 3 đợt dịch lớn bùng lên. Chậm trễ là thất bại, các doanh nghiệp đã chủ động, sốt sắng tìm đủ giải pháp để sống chung và vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

0516-le-khoi-cong-stella-vo-van-kiet
Dù ảnh hưởng nặng nề bởi Covid,, một dự án vẫn được khởi công đầu năm 2021 tại TP. Hồ Chí Minh

Khó khăn chồng chất

Tính đến nay, qua 3 lần đại dịch Covid bùng phát đỉnh điểm, hàng loạt dự án và doanh nghiệp bất động sản lao đao, gặp khó. Nhiều dự án vẫn tiếp tục được triển khai xây dựng do đã được khởi công theo kế hoạch trước đó hoặc đang tiến hành xây dựng dang dở buộc phải xây dựng tiếp cho đúng tiến độ như đã ký kết với khách hàng. Tuy nhiên có một thực tế là nhiều dự án xây dựng nhưng không bán được hàng hoặc bán rất chậm. Bằng chứng là các giao dịch mua bán bất động sản, đặc biệt ở những dự án xây mới diễn ra rất ì ạch, số lượng sụt giảm nghiêm trọng.

Tiến hành khảo sát một loạt qua các sàn giao dịch bất động sản hoặc các trang rao bán dự án, các kênh rao vặt bất động sản, xuất hiện hàng loạt cụm từ mới mà thực tế trước khi xảy ra đại dịch covid rất hiếm gặp, như: cắt lỗ sâu, bán giá gốc, cần đáo hạn bán cắt lỗ, giảm giá kịch sàn, thanh lý gấp căn hộ, cần tiền bán gấp… xuất hiện khá nhiều ở hầu hết các phân khúc, từ cấp cao đến thấp cấp.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghieepj hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Một chuyên gia bất động sản cho hay, lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng hay các nhà đầu tư được quyết định bởi dòng tiền rất lớn, nếu xoay vòng nhanh, thanh khoản tốt, lợi nhuận sẽ cao. Ngược lại nếu tồn hàng, ứ động vốn, lãi suất sẽ dồn và khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó, lỗ, thậm chí là phá sản.

Một nhà môi giới bất động sản ở quận Cầu Giấy phân tích, covid bùng phát, nhiều người bị thất nghiệp, lương bị cắt giảm khiến nguồn thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt việc ảnh hưởng này theo chuỗi khi tất cả các thành viên trong gia đình đều gặp phải, trong lúc các khoản chi tiêu gia đình, cá nhân vẫn phải duy trì. Điều này dẫn tới không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Từ đó khoản tài chính dùng để mua nhà, bất động sản để ở hoặc đầu tư không có hoặc không đủ. Khi người tiêu dùng không có nguồn tiền thì đương nhiên các dự án bị tồn hàng, ế ẩm.

Làm gì để vượt khó

Một giám đốc công ty bất động sản phía Bắc cho hay, dù dịch dẫn tới thu nhập giảm nhưng nhu cầu mua nhà ở của người dân luôn sẵn có. Để người dân có điều kiện tiếp cận nhà ở trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ cần kịp thời hỗ trợ người dân về các khoản cho vay, đặc biệt là lãi suất. Riêng đối với doanh nghiệp cần kéo dài, giãn các khoản nợ vay để họ tiếp tục duy trì, hoàn thành dự án. Về chính sách đất đai, cần cho phép kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất và bổ sung bổ sung đối tượng gia hạn cho các doanh nghiệp bất động sản.

0608-anh-2-1
Một dự án bất động sản đang được hoàn thiện tại TP. Hải Phòng

Thực hiện Nghị quyết 84/NQQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp đã cùng nhau đề ra giải pháp và thực hiện rốt ráo để vượt qua khó khăn do đại dịch.

Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng chính phủ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã kiến nghị một số giải pháp trong ngắn hạn như: Chính phủ bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3 đến tháng 6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3 đến tháng 6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.

Ngoài ra, HoREA kỳ vọng việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.

Song song đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi.

Ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiệp hội đề nghị cơ quan quản lý cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nếu không thị trường sẽ lâm vào khó khăn như nhiều năm trước, kéo theo sự đổ vỡ của hàng nghìn nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vật liệu xây dựng...

Đến nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đã hướng tới môi trường hoạt động chuyên nghiệp, lâu dài hơn. Tuy nhiên, trước mắt trong hoàn cảnh "khó khăn chồng khó khăn", nếu không được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng do tác động từ dịch bệnh.

Cổ phiếu bất động sản vẫn tăng

Mặc dù thị trường bất động sản biến động, dự án bất động sản nhiều nơi gặp khó, vậy nhưng cổ phiếu bất động sản lại tăng khởi sắc. Ví dụ như cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tăng 60% so với đầu năm; mã KDH của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Khang Điền tăng gần 14% so với đầu năm; mã NVL của Tập đoàn Novaland tăng 56% so với đầu năm…

Theo một chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư nên tìm kiếm và bám sát những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh ổn định, quỹ đất sạch, tỷ suất vay nhỏ… để đầu tư sẽ an toàn và dễ sinh lời hơn.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ

Nam Phúc