Dò đỉnh và đáy của VN-Index sau tháng 12

Cập nhật: 15:53 | 10/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Nếu VN-Index điều chỉnh về gần vùng 900 - 950 điểm, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu...

Chứng khoán KIS: Chứng khoán Việt Nam luôn tăng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam vừa công bố báo cáo đánh giá phản ứng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ.

Báo cáo cho biết, từ năm 2000 tới nay, TTCK Việt Nam đã 5 lần trải qua các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ trong năm bầu cử của Mỹ (ngoại trừ năm 2008 khi thị trường giảm mạnh do khủng hoảng tài chính toàn cầu). Nguyên nhân là do tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi chờ đợi kết quả bầu cử và các chính sách mới sau đó.

Chứng khoán Việt Nam luôn tăng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ

Sau bầu cử, dù ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa chiến thắng, thị trường chứng khoán Việt Nam đều thể hiện xu hướng đi lên trong trong năm ngay sau đó. Từ năm 2000 đến nay, VN-Index luôn tăng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Đáng chú ý, trong năm 2017, VN-Index đã tăng vọt 47,8% sau khi Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng. Vào thời điểm đó, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt chính sách cứng rắn đối với các nước xuất khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các chính sách này đã khiến các công ty quốc tế chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam.

KIS cho rằng, khi ông Biden trở thành Tổng thống, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khó bị đảo ngược trong trung hạn do Đảng Dân chủ ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại. Do đó, KIS đánh giá TTCK Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống mới, năm 2021 hứa hẹn sẽ tiếp tục đi lên của chỉ số VN-Index...

Dòng vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam

Ngoài dự báo về thị trường, KIS cho biết lập trường của đảng Dân chủ là tiếp tục ủng hộ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Với chiến thắng của ông Biden, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không trở nên quá căng thẳng nhưng ảnh hưởng của nó đến chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể đảo ngược.

Sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ khiến dòng vốn FDI đổ vào các nước khác và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ điều này. KIS kỳ vọng các ngành công nghiệp phụ trợ và các bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Chứng khoán Yuanta: VN-Index vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh

Theo Báo cáo thị trường chứng khoán tháng 12/2020 vừa công bố, CTCK Yuanta Việt Nam dự báo VN-Index có thể đạt 1.103 điểm.

Cụ thể, CTCK Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh của xu hướng tăng trung hạn với hai mức mục tiêu kỳ vọng trong tháng 12/2020 là 1.035 điểm và cao hơn là 1.103 điểm. Yuanta cũng nghiêng về khả năng chỉ số VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 1.103 điểm trong tháng 12/2020. Nhóm ngành quan tâm trong 12 là sản xuất thực phẩm, ngân hàng, chứng khoán, công nghiệp nặng…

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký và giải ngân lần lượt đạt 26,4 tỷ USD và 17,2 tỷ USD, giảm gần 17% và 2,4% so với cùng kỳ. Đối với tháng 11, tình hình vốn FDI trong tháng vẫn thận trọng, lượng vốn đăng ký mới và vốn giải ngân vào Việt Nam vẫn ở tăng trưởng mức thấp như vài tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của nền kinh tế vẫn tiếp tục chững lại. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 đạt 49 tỷ USD, giảm 5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ; nhập khẩu đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so cùng kỳ. Cán cân thương mại tháng 11 xuất siêu nhẹ 0,6 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức xuất siêu 2,9 tỷ USD trong tháng 10.

Lạm phát Việt Nam vẫn tiếp tục giảm ở mức thấp trong đó CPI tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 1,48% so cùng kỳ. Bình quân 11 tháng đầu năm, CPI tăng 3,52%. CTCK Yuanta cho rằng lạm phát vẫn có thể ở mức thấp trong cả năm 2020.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lại phục hồi tốt khi tăng 0,5% so với tháng trước và tăng đến 9,2% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 11 tiếp tục xu hướng hồi phục, mức tăng trưởng 2,3% so tháng trước và 8,5% so cùng kỳ, đạt 464 ngàn tỷ đồng trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,2% cho thấy nhu cầu mua sắm người dân đã tăng trở lại. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giữ mức tăng trưởng khá tốt.

Lũy kế 11 tháng đầu năm đạt 4,591 ngàn tỷ đồng, tăng 2% so cùng kỳ trong đó riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 79,1%, tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành giảm lần lượt 13,7% và 58,6% so cùng kỳ.

Yuanta đánh giá, mặc dù động lực tăng trưởng từ các yếu tố nước ngoài đang chững lại, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục hồi phục, mức chi tiêu hàng hóa dịch vụ người dân duy trì tăng trưởng 3 tháng liên tiếp, ngoài ra tỷ giá, lạm phát ổn định ở mức thấp sẽ cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục ổn định từ giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh trong quý II.

Thị trường có thể điều chỉnh và giới hạn điều chỉnh

Trong thời gian qua, giới phân tích kỹ thuật bắt đầu nói đến nguy cơ điều chỉnh đang tăng dần. Dĩ nhiên, người viết không bi quan đến mức cho rằng VN-Index sẽ về lại đáy 800 điểm. Điều này hiện không có cơ sở để xảy ra trên phương diện phân tích kỹ thuật. Nếu thực sự có điều chỉnh mạnh bất ngờ (thrust down) trong ngắn hạn thì điểm rơi dự kiến sẽ là vùng 900 - 950 điểm bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, VN-Index đang duy trì bên trên tất cả những đường MA quan trọng như SMA 100 ngày, SMA 200 ngày… Nhóm này hiện đang đi lên mạnh.

Thứ hai, khối lượng giao dịch liên tục duy trì mức cao cho thấy dòng tiền khá dồi dào trong ngắn hạn.

Thứ ba, đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 6/2020 (tương đương vùng 900 - 910 điểm) đã chuyển từ kháng cự thành hỗ trợ.

Một kịch bản khác cũng đang được nhắc đến là VN-Index sẽ đạt tới mốc 1.200 điểm một lần nữa trong vòng 2 - 3 tháng tới. Điều kiện tiên quyết cho kịch bản này là chỉ số phải phá vỡ hoàn toàn và duy trì vững chắc bên trên vùng 1.035 - 1.050 điểm cùng với khối lượng duy trì mức cao liên tục.

Dò đỉnh và đáy của VN-Index sau tháng 12

Tuy nhiên, nếu ta xem xét dựa trên lý thuyết sóng Elliott thì sẽ thấy có một chút khúc mắc nhỏ. Nếu coi toàn bộ đợt tăng từ tháng 3/2020 đến nay là một sóng tăng lớn thì có thể chia ra thành nhiều sóng nhỏ ngắn hạn được đánh dấu như hình vẽ bên dưới. Theo đó, thời gian diễn ra sóng 3 đã gần bằng thời gian của sóng 1 và sóng 2 cộng lại. Nếu VN-Index lại tăng tiếp mà không cần điều chỉnh thì có vẻ hơi bất hợp lý.

Việc có thêm một giai đoạn tích lũy để “lấy đà” (sóng 4 điều chỉnh) kéo dài khoảng 1 - 2 tháng sẽ giúp cho sự tăng trưởng của thị trường bền vững hơn.

Việc đua lệnh mua với giá cao không được ủng hộ trong giai đoạn này do giá có thể chuẩn bị kết thúc sóng tăng giá ngắn hạn.

Nếu VN-Index điều chỉnh về gần vùng 900 - 950 điểm thì sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tích lũy cổ phiếu.

Gemadept (GMD) phát hành hơn 4,4 triệu cổ phiếu phúc lợi cho người lao động

Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE - Mã: GMD) công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình phúc lợi bằng ...

Chứng khoán phiên sáng 10/12: Đảo chiều cuối phiên, VN-Index về sát tham chiếu

Mở cửa phiên sáng nay (10/12), thị trường đã diễn biến phân hóa mạnh nhưng dòng tiền sôi động vẫn tiếp tục là động lực ...

Thị trường chứng khoán ngày 10/12/2020: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Đức Hậu