Diễn biến lãi suất hiện nay như thế nào?

Cập nhật: 13:41 | 11/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Lãi suất huy động tiếp tục tăng dần trong khi lãi suất cho vay nhích rất nhẹ và nhiều trường hợp vẫn giữ nguyên. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, đặc biệt là ổn định tỷ giá sẽ góp phần kiềm giữ đà tăng của lãi suất trong thời gian tới. Đây được cho là hướng đi phù hợp để ổn định chính sách vĩ mô.  

dien bien lai suat hien nay nhu the nao

Diễn biến lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện nay

dien bien lai suat hien nay nhu the nao

Lãi suất liên ngân hàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Thấy gì từ diễn biến lãi suất?

Khảo sát tại các ngân hàng thương mại cho thấy, mức lãi suất huy động đã tăng gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 8,5% - 8,7%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng.

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của SSI Retail Research nêu quan điểm: “Các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…) và nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%. Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận”.

dien bien lai suat hien nay nhu the nao
Diễn biến lãi suất hiện nay như thế nào?. Ảnh minh họa

Cần tiếp tục giữ ổn định

Dù mặt bằng lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại biến động không đáng kể.

Trong khi đó, nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho biết, so với một vài tháng trước, lãi suất cho vay mua bất động sản, mua ô tô đã có dấu hiệu nhích lên, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,1% - 0,2% và hầu như chỉ tăng với những hợp đồng vay món tiền không lớn.

Về diễn biến này, Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của SSI Retail Research cho biết: “Đối với lãi suất cho vay, mặc dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay, nhưng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn”.

Cũng theo báo cáo này, kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với năm 2018, thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018. Trong khi đó, số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu chuẩn Basel II tăng lên cho thấy các ngân hàng thương mại đã chú trọng nhiều hơn đến tính bền vững thay vì chạy theo tăng trưởng ngắn hạn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháng 4 năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: “Các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm hoặc ổn định chứ không có chuyện tăng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Đây là chủ trương nhất quán của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế”.

Lãi suất tiền gửi gần 9%/năm: Cao nhưng khó với

Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần vừa cập nhật của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán SSI cho biết, trong tuần đến ngày 7/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm ròng 14.349 tỷ đồng thông qua tín phiếu đáo hạn, lượng tín phiếu lưu hành giảm về 70.450 tỷ đồng; kênh OMO không phát sinh giao dịch và duy trì số dư bằng 0. Lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng từ đầu tuần và gần như đi ngang trong tuần, hiện ở mức 3,15%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,28% với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất qua đêm của VND - USD là 0,7%.

Ở thị trường 1 - tức là thị trường huy động vốn từ dân cư và các tổ chức - lãi suất huy động ổn định ở mức 4,1% - 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Gần đây, một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn lên tới 8,5 - 8,7%/năm - mức rất cao so với mặt bằng chung, song cũng không dễ dàng gì đạt được bởi kèm theo điều kiện phải gửi từ 24 - 36 tháng hoặc với số tiền gửi khá lớn, tới 500 tỷ đồng. Theo nhóm phân tích của SSI, đối tượng khách hàng đủ điều kiện hưởng mức lãi suất này không nhiều và cũng không mang tính đại diện cho thị trường.

Thực tế cho thấy, lãi suất hiện nay vẫn chia làm 3 nhóm khá rõ ràng. Nhóm thứ nhất đang chiếm hơn một nửa tổng nguồn huy động vốn từ thị trường đó là 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, cùng với Techcombank lãi suất cao nhất chỉ quanh mức 7%/năm. Ở nhóm thứ 2 là các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, có hệ thống mạng lưới giao dịch rộng rãi như Sacombank, HDBank, ACB, MB hoặc các ngân hàng nhỏ hiếm khi gia nhập cuộc đua lãi suất cao như Kienlongbank, MSB và nhóm "0 đồng" là OceanBank, GPBank, CBBank thì lãi suất cao nhất cũng chỉ tới 7,7 - 7,8%/năm.

Nhóm thứ ba là các ngân hàng lớn thường xuất hiện trong cuộc đua lãi suất cao như Eximbank, VPBank, SCB... và các ngân hàng nhỏ khác có lãi suất cao hơn cả, hiện cao nhất phổ biến trên 8%/năm, có trường hợp tới 8,7%/năm. Dẫu vậy, như đã đề cập ở trên, các mức lãi suất cao chót vót ở các ngân hàng này cũng không phải dành cho các đối tượng khách hàng thông thường, mà là nhóm người gửi tiền "nhà giàu" có chục tỷ, trăm tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, với số tiền ít hơn, tất nhiên cũng từ 500 triệu trở lên, các khách hàng đến gửi tiền ở nhóm ngân hàng này, thường không khó khăn để thoả thuận được các mức lãi suất cao hơn so với niêm yết.

Thu Hoài