Điểm mặt những dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội có thể hoàn thành trong năm nay
Hà Nội có thể vượt chỉ tiêu nhà ở xã hội năm 2025, nhưng giá bán tiệm cận nhà thương mại và tiến độ ì ạch cho thấy nhiều nút thắt cần tháo gỡ nếu muốn đạt mục tiêu một triệu căn vào năm 2030.
Bộ Xây dựng mới đây cho biết Hà Nội có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu nhà ở xã hội trong năm 2025 với hơn 4.700 căn hộ đến từ sáu dự án, cao hơn so với mức giao 4.670 căn do Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Thông tin được đưa ra trong báo cáo kết quả kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo đánh giá, các dự án có khả năng hoàn thành chủ yếu tập trung ở những địa bàn vùng ven như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh và Mê Linh. Đây là những khu vực còn quỹ đất lớn, chi phí phát triển hạ tầng thấp và dễ dàng triển khai dự án với quy mô phù hợp. Trong khi đó, một số dự án trọng điểm lại đang gặp khó khăn về tiến độ thi công.
Điển hình là dự án tại ô đất NO1, khu đô thị mới Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được khởi công từ cuối năm 2024 nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn thi công phần hầm. Với tiến độ như hiện nay, dự án gần như không thể kịp hoàn thành trong năm nay như kế hoạch đề ra.
Mặc dù chưa hoàn thành, song dự án tại Hạ Đình lại đang thu hút sự chú ý do mức giá tạm tính cao nhất trong nhóm nhà ở xã hội tại Hà Nội. Cụ thể, giá dự kiến lên tới 25 triệu đồng/m2, đồng nghĩa với việc một căn hộ 70 m2 có thể đạt mức 1,75 tỷ đồng. Đây là mức giá tiệm cận với phân khúc nhà thương mại giá rẻ, cho thấy khoảng cách giữa mục tiêu “nhà ở cho người thu nhập thấp” và thực tế thị trường còn khá xa. Ở các khu vực khác, giá nhà xã hội cũng có sự phân hóa rõ rệt. Tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, giá tạm tính khoảng 21,2 triệu đồng/m2, tương đương 1,5 tỷ đồng cho căn hộ diện tích lớn. Còn tại ô đất CT3, khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh), mức giá dự kiến là 18,4 triệu đồng/m2.
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nhà ở xã hội trong năm nay, đồng thời đặt thời hạn hoàn thành phần quỹ căn còn lại trong đầu năm 2026. Ngoài yếu tố tiến độ, vấn đề bảo đảm quỹ đất cũng tiếp tục được nhấn mạnh.
Bộ đề nghị Hà Nội ưu tiên các vị trí quy hoạch nhà ở xã hội gần khu đô thị, khu công nghiệp và hạ tầng giao thông, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân và công nhân. Việc đặt nhà ở xã hội tại các khu vực “xa trung tâm, thiếu dịch vụ” đang bị cho là lý do khiến sản phẩm này dù thiết yếu nhưng khó hấp thụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị đầu năm 2025 cũng từng lưu ý Hà Nội không nên chỉ tập trung phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương còn nhiều đất như Đông Anh, Mê Linh mà bỏ qua những quận nội đô vốn đang thiếu trầm trọng nhà giá rẻ. Ông nhấn mạnh, nhà ở xã hội cần được quy hoạch đồng bộ với hệ thống hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục và tiện ích xã hội tương đương nhà thương mại để đảm bảo tính hấp dẫn thực sự cho người mua.
Theo đề án phát triển một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Hà Nội và TP HCM là hai địa phương được giao mục tiêu lớn nhất cả nước, lần lượt 56.200 căn và 69.700 căn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong bốn năm qua lại khá khiêm tốn. Tổng số căn hộ hoàn thành mới đạt chưa đến 21% mục tiêu, trong khi năm 2024 cả hai thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội cho thuê được cấp phép xây dựng. Những con số trên cho thấy bài toán phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị lớn vẫn còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ, từ thủ tục đầu tư, giá thành, vị trí đến cơ chế phân bổ quỹ đất.