Đề xuất áp thuế thu nhập với lãi từ bán cổ phiếu và chuyển nhượng vốn
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó đề xuất tính thuế 20% trên phần lãi thực khi chuyển nhượng chứng khoán và góp vốn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, trong đó có đề xuất quan trọng về việc thay đổi cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn và giao dịch chứng khoán. Điểm đáng chú ý là cá nhân có thể phải nộp thuế TNCN 20% trên phần thu nhập thực nhận nếu có đầy đủ chứng từ chứng minh giá mua và chi phí liên quan.

Theo đề xuất, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn sẽ được tính bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%. Thu nhập tính thuế được xác định là phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua, sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý liên quan đến giao dịch. Trường hợp không xác định được giá mua hoặc chi phí, thuế sẽ tính theo tỷ lệ 2% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Đối với chuyển nhượng chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất thuế TNCN cũng được tính theo thu nhập ròng với thuế suất 20%, tính theo năm. Thu nhập này là giá bán trừ giá mua và chi phí liên quan đến giao dịch trong kỳ tính thuế. Nếu không xác định được giá mua và chi phí, cá nhân vẫn có thể nộp thuế theo mức 0,1% trên giá bán từng lần – giống như phương pháp đang áp dụng hiện nay. Việc khôi phục đồng thời hai phương pháp tính thuế này được kỳ vọng sẽ linh hoạt hơn, sát thực tế hơn và đảm bảo công bằng hơn cho các đối tượng nhà đầu tư khác nhau.
Theo Bộ Tài chính, đề xuất này được đưa ra trên cơ sở thực tiễn nhiều năm áp dụng Luật Thuế TNCN hiện hành, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Trước đây, Luật thuế TNCN năm 2007 cho phép áp dụng hai phương pháp tính thuế với chứng khoán – tính 20% trên phần thu nhập hoặc tính 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần nếu không có chứng từ. Tuy nhiên, đến năm 2015, Luật số 71 sửa đổi đã thống nhất chỉ còn một phương pháp tính thuế là 0,1% trên giá bán, nhằm đơn giản thủ tục và dễ triển khai. Việc chỉ áp dụng một cách tính này tuy thuận tiện cho quản lý thuế, nhưng lại bộc lộ bất cập khi nhà đầu tư bị đánh thuế ngay cả khi không có lãi.
Bộ Tài chính cho rằng cần có sự phân loại rõ và phương pháp tính phù hợp hơn với từng đối tượng. Những cá nhân đầu tư nhỏ, không lưu giữ được chứng từ có thể tiếp tục nộp thuế theo tỷ lệ doanh thu 0,1%. Trong khi đó, các nhà đầu tư có hệ thống quản lý đầu tư minh bạch sẽ được tính thuế theo thu nhập thực tế, phù hợp với nguyên tắc công bằng thuế và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Riêng với chứng khoán phái sinh, Bộ Tài chính lưu ý đây là loại hình có tính chất đặc biệt, khác biệt rõ so với cổ phiếu hay trái phiếu thông thường. Giao dịch trên thị trường phái sinh không có sự chuyển giao tài sản, nhà đầu tư không nắm giữ quyền cổ đông, và giá trị hợp đồng có thể khuếch đại nhiều lần nhờ đòn bẩy. Do đó, nếu tính thuế trên toàn bộ giá trị hợp đồng sẽ không hợp lý và có thể gây méo mó nghĩa vụ thuế. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức… đang áp dụng cách tính thuế dựa trên phần thu nhập ròng từ chứng khoán phái sinh. Một số quốc gia khác như Ấn Độ hay Đài Loan vẫn tính thuế theo giá trị giao dịch, nhưng thuế suất rất thấp, thấp hơn thị trường cơ sở từ 150 đến 600 lần.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy xu hướng ngày càng phân biệt rõ giữa các loại chứng khoán trong chính sách thuế. Ở Indonesia, cổ phiếu niêm yết bị đánh thuế 0,1% trên doanh thu, cổ đông sáng lập còn phải nộp thêm 0,5% nếu phát hành lần đầu. Tại Philippines, chứng khoán niêm yết bị đánh thuế 0,6% trên giá giao dịch, còn chứng khoán chưa niêm yết bị áp thuế đến 15% trên thu nhập. Trung Quốc đánh thuế 20% trên phần lãi từ chứng khoán chưa niêm yết. Nhật Bản áp mức thuế cố định 20,315% đối với thu nhập từ chứng khoán. Thái Lan miễn thuế với nhiều khoản đầu tư nếu là chứng khoán niêm yết trong khu vực ASEAN hoặc được giao dịch thông qua ASEAN Link.
Việc sửa đổi lần này, theo Bộ Tài chính, không chỉ nhằm minh bạch chính sách, mà còn hướng tới cải cách thủ tục hành chính, tăng sự linh hoạt cho người nộp thuế, đồng thời tạo nền tảng để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nhu cầu nâng hạng thị trường ngày càng rõ nét.