Cáo bạch tài chính

Đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ, Quốc Cường Gia Lai trông vào Marina, thoái vốn thủy điện và xử lý hàng tồn

Thu Hà 17/05/2025 17:29

Quốc Cường Gia Lai kỳ vọng đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng trong năm 2025 nhờ ba nguồn chính: dự án Marina Đà Nẵng, thoái vốn thủy điện và bán hàng tồn kho.

Chiều 17/5, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 trong bối cảnh doanh nghiệp đang thể hiện sự trở lại mạnh mẽ sau thời gian dài cơ cấu lại hoạt động. Đại hội diễn ra với sự tham dự của 63 cổ đông và người đại diện sở hữu, chiếm 66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết – đủ điều kiện tổ chức theo quy định.

ĐHCĐ Quốc Cường Gia Lai
ĐHCĐ Quốc Cường Gia Lai chiều ngày 17/5

Ngay từ đầu đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Cường đã gợi lại hành trình 30 năm hình thành và phát triển của doanh nghiệp, từ một xí nghiệp nhỏ tại Gia Lai trở thành công ty niêm yết tại HOSE, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tạo ra hàng ngàn việc làm.

Trong lời phát biểu đầy xúc động, ông Cường nhấn mạnh đến những hy sinh thầm lặng của người sáng lập công ty – bà Nguyễn Thị Như Loan. “Cả cuộc đời bà Loan đã dành cho Quốc Cường, từ công việc đến sự hy sinh cá nhân. Có những lúc phải đánh đổi cả tự do để bảo vệ công ty”, ông nói, và chia sẻ bà Loan luôn giữ lối sống giản dị, ngay cả khi đi máy bay vẫn chọn hạng thường.

Mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong 8 năm

QCG đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng – tăng lần lượt 274% và 306% so với thực hiện năm 2024. Đây là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay, còn lợi nhuận chỉ thấp hơn hai năm đỉnh cao là 2010 và 2017.

Năm 2024, công ty đã có bước chuyển mình tích cực khi doanh thu đạt 729 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bất động sản đóng góp 510 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước và chiếm tỷ trọng chủ đạo. Lợi nhuận ròng ghi nhận 83 tỷ đồng – gấp hơn 11 lần năm 2023, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 2018.

Trả lời cổ đông về cơ cấu doanh thu 2.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, khoản thu này đến từ ba nguồn: 900 tỷ đồng từ xử lý và thoái vốn các dự án thủy điện, 700 tỷ đồng từ giai đoạn 1 của dự án Marina Đà Nẵng (với 37 căn nhà phố đang xây dựng, đã được cấp phép bán hàng), và 400 tỷ đồng từ việc xử lý hàng tồn kho chung cư.

Tư duy “không vay vì cẩn trọng”, không phải vì không thể vay

Một trong những câu hỏi được cổ đông quan tâm nhiều nhất là về chính sách tài chính – đặc biệt là việc QCG hầu như không sử dụng nợ vay trong nhiều năm qua. Trả lời câu hỏi “không vay vì không vay được hay vì không muốn vay?”, ông Cường khẳng định: “QCG hoàn toàn có khả năng vay vốn, nhưng không vay vì lựa chọn chủ động. Chúng tôi chỉ vay khi có dự án rõ ràng, pháp lý đầy đủ, kế hoạch dòng tiền cụ thể và hiệu quả tài chính rõ ràng”.

Ông dẫn chứng bài học từ thương vụ hợp tác không thành công với Sunny Island liên quan đến dự án Phước Kiển năm 2016–2017, khi đối tác chỉ thanh toán một phần rồi dừng lại, để lại hệ lụy kéo dài nhiều năm. “Chính vì trải nghiệm đó, bà Loan càng thận trọng. Quan điểm của bà là làm chắc, làm bền, giữ thanh khoản và không để công ty rơi vào khủng hoảng tài chính,” ông nói.

Dù vậy, ông Cường nhấn mạnh: “Chúng tôi không bảo thủ. Khi hội đủ điều kiện pháp lý và dòng tiền, không chỉ ngân hàng mà cả nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước đều sẵn sàng đồng hành. QCG không ngại vay, nhưng chỉ vay trong rủi ro chấp nhận được”.

Cân nhắc đổi tên: Từ “Gia Lai” đến toàn quốc và quốc tế

Một nội dung gây chú ý tại đại hội là tờ trình đổi tên doanh nghiệp – điều chưa từng xảy ra trong suốt 30 năm qua. Ông Cường cho biết, cái tên “Quốc Cường Gia Lai” mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhưng khó đọc, khó nhớ với đối tác nước ngoài và không còn phản ánh đúng phạm vi hoạt động hiện tại.

“Khi thành lập, công ty gắn với một vùng đất. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã có dự án tại nhiều địa phương, thậm chí có tham vọng mở rộng ra quốc tế. Tên mới cần ngắn gọn, dễ phát âm, dễ truyền thông, và sẵn sàng cho một chặng đường mới”, ông chia sẻ.

Theo tờ trình, Hội đồng Quản trị được ủy quyền lựa chọn và đăng ký tên gọi mới, thời điểm thực hiện không muộn hơn 12 tháng kể từ khi được cổ đông thông qua.

Cao su: không từ bỏ nhưng sẵn sàng chuyển hướng

Liên quan đến mảng nông nghiệp, ông Cường thông tin QCG đang sở hữu khoảng 2.000 ha cao su. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cao su duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, doanh nghiệp đang tính đến phương án chuyển đổi mô hình sử dụng đất.

“Chúng tôi đang theo dõi xu hướng giá cao su, nhưng không loại trừ khả năng chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Chúng tôi không buộc phải giữ nguyên trạng nếu nó không mang lại hiệu quả”, ông nói.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ, Quốc Cường Gia Lai trông vào Marina, thoái vốn thủy điện và xử lý hàng tồn
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO