Sống

“Concert Quốc gia” và làn sóng tự hào bùng nổ trên mạng xã hội mùa lễ 30/4

Đông Quân 23/04/2025 10:50

Mạng xã hội ghi nhận hơn 2,45 triệu lượt thảo luận về lễ diễu binh 30/4, cho thấy sức hút của sự kiện lịch sử tầm Quốc gia này trong cộng đồng mạng.

Từ chủ đề kỷ niệm đến bùng nổ mạng xã hội

Theo thống kê của YouNet Media, chỉ trong chưa đầy một tháng (từ 27/3 đến 22/4), chủ đề Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam đã thu hút hơn 2,45 triệu lượt thảo luận cùng 18,13 triệu lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Mức độ thảo luận tăng gấp đôi trong tuần gần nhất, trùng thời điểm người dân được trực tiếp tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ sự kiện.

tập diều binh tại tphcm
Hình ảnh các chiến sĩ đang tập dượt cho đại lễ 30/4 sắp tới đang gây sốt trên các trang mạng xã hội

So sánh với các sự kiện từng “gây sốt” trên mạng trước đây như SEA Games 31 (600.000 lượt), đại lễ 30/4 cho thấy sức hút vượt trội. Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc lịch sử, mà còn trở thành chủ đề gắn kết cộng đồng, nơi mọi thế hệ thể hiện lòng tự hào dân tộc theo những cách riêng biệt.

Gen Z gọi lễ diễu binh là “concert của Tổ quốc”

Không gian mạng ghi nhận sự hiện diện sôi nổi của thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z – nhóm người dùng chiếm hơn 60% trên TikTok. Nhiều bạn trẻ ví lễ diễu binh 30/4 như một sự kiện văn hóa lớn, gọi đây là “concert của Tổ quốc”, các mô hình trưng bày là “booth concert”, và kẹo được phát là “freebies” – những thuật ngữ vốn phổ biến trong cộng đồng yêu âm nhạc thần tượng.

bên bạch đắng nổ pháo
Khu vực tại bến Bạch Đằng được trưng bày dàn pháo cho sự kiện 30/4

Chia sẻ từ bạn Hạnh Nguyên (Hạ Long) cho thấy mức độ hòa nhập mạnh mẽ của đại lễ với văn hóa đại chúng: “Nhiều bạn xem tổng duyệt đã gọi đây là đêm diễn mở màn hoành tráng của Việt Nam.”

Sự sáng tạo trong cách tiếp cận của giới trẻ khiến sự kiện lịch sử không còn khô khan, mà trở thành một phần của đời sống tinh thần, lan tỏa trong cộng đồng một cách gần gũi và sinh động.

Dữ liệu mạng xã hội phản ánh sức nóng của đại lễ

Dữ liệu từ nền tảng SocialTrend cho thấy Facebook là nơi có lượng thảo luận nhiều nhất (chiếm 55,6%), với hơn 5 hội nhóm lớn được lập riêng để chia sẻ thông tin về địa điểm tổ chức, lịch trình và các gợi ý quan sát lễ diễu binh hiệu quả. Tổng cộng, các hội nhóm này đã thu hút hơn 12.000 thành viên.

Các chủ đề thảo luận sôi nổi nhất gồm:

  • Địa điểm tổ chức lễ diễu binh: 25%
  • Lịch trình sự kiện: 21%
  • Cách theo dõi, góc nhìn đẹp, tuyến đường bị cấm: 21%

Trên TikTok, trong top 10 hashtag nổi bật của tuần qua, có đến 9 hashtag liên quan đến đại lễ, trong đó #dieu_binh#50namgiaiphongmiennam đứng đầu bảng xếp hạng, với tổng cộng 153.000 bài đăng. Nhiều video chia sẻ khoảnh khắc diễn tập máy bay tiêm kích, trực thăng, và đội hình nghi thức đã được lan truyền mạnh, làm tăng cảm xúc tự hào trong cộng đồng.

Google Trends ghi nhận lượng tìm kiếm các cụm từ như “kỷ niệm 50 năm”, “diễu binh 30/4” tăng gấp 2–3 lần trong tuần qua. Những từ khóa liên quan như logo 50 năm, bài hát Kỷ niệm, hay phim tài liệu về chiến thắng 30/4 cũng lọt vào nhóm “đột phá”.

Không gian mạng – nơi kết nối các thế hệ qua dòng ký ức

Nếu giới trẻ mang đến làn gió sáng tạo thì thế hệ lớn tuổi lại dùng mạng xã hội như một công cụ lưu giữ ký ức và chia sẻ câu chuyện lịch sử. Những bài viết kể lại kỷ niệm chiến tranh, hình ảnh cựu chiến binh, thậm chí cả bài thơ, bài hát truyền thống được cộng đồng chia sẻ rộng rãi.

Một người dùng tại Hà Nội chia sẻ: “Nhìn các ông bà mặc quân phục, tôi có cảm giác như mình đang được đứng cùng họ trong dòng chảy lịch sử.” Những câu chuyện này đã tạo nên một dạng “lịch sử truyền miệng kỹ thuật số”, đưa quá khứ đến gần hơn với hiện tại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Concert Quốc gia” và làn sóng tự hào bùng nổ trên mạng xã hội mùa lễ 30/4
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO