Cổ phiếu đầu tiên tạm biệt thị trường chứng khoán năm 2021

Cập nhật: 17:04 | 12/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với 3 triệu cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ (UpCOM: TTJ) vào ngày 19/1/2021. Cổ phiếu TTJ sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên UpCOM vào ngày 18/1/2021.

0156-huy
Ảnh minh họa (nguồn internet)

HNX cho biết, lý do hủy giao dịch cổ phiếu TTJ là CTCP Thủy Tạ hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Được biết, cổ phiếu TTJ chính thức giao dịch trên UpCOM từ 20/6/2017 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại mức 31.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã đã bị lãng quên khi không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Từ trung tuần tháng 5/2020, mã này duy trì tại mức giá 45.000 đồng và không phát sinh giao dịch nào từ đó đến nay.

CTCP Thủy Tạ tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ, thành lập tháng 5/1958 - là nhà hàng duy nhất nằm sát bờ Hồ Gươm. Khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, nhà hàng, đến nay công ty đã hình thành một hệ thống nhà hàng và các cửa hành kinh doanh.

Năm 1999, công ty đã đưa vào hoạt động một nhà máy kem công nghiệp với công suất 1 triệu lít/năm sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất của Italia. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại, đến nay đã có hơn 40 sản phẩm kem các loại.

Hiện Kem Thủy Tạ là thương hiệu kem lâu đời được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh đó, công ty còn có chuỗi Café Thủy Tạ, nước tinh khiết Pha Lê, bánh trung thu Thủy Tạ…

Về cơ cấu cổ đông, tính đến 31/12/2019, Thủy Tạ có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 74,36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty trong đó cổ đông lớn nhất là Hapro sở hữu 30% vốn cổ phần.

Về tình hình kinh doanh, kết năm 2019, Thủy Tạ ghi nhận doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng - giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2018. Chí phí giá vốn và chi phí bán hàng lần lượt giảm mạnh 37% và 30% so với cùng kỳ nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh gấp 6 lần lên mức 20 tỷ đồng nên khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của TTJ tăng 34,5% lên hơn 3,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng gấp 5 lần nên lợi nhuận sau thuế công ty giảm mạnh xuống mức 791 triệu đồng - bằng 1/3 kết quả đạt được cùng kỳ năm trước đó.

Kem Thủy Tạ "chảy nước" khi gặp sức nóng cạnh tranh

Theo báo cáo của Euromonitor International, doanh số bán kem năm 2020 đạt 3.793 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Mức tăng trưởng này giảm đáng kể khi các năm trước đều ghi nhận trên 2 chữ số trong đó to-go ice cream (kem thưởng thức ngoài đường mang tính ngẫu hứng) vẫn đóng góp chủ yếu với 2.686 tỷ đồng - tỷ trọng 70%.

Cũng theo Euromonitor, trong năm 2016, thị phần của KIDO Foods, Unilever, Vinamilk và Thủy Tạ lần lượt là 35%, 10%, 9% và 10% tuy nhiên sang năm 2020, các con số tương đương là 43,5%, 11,1%, 9,2%. Đáng chú ý, Fanny đã chính thức thay thế Thủy Tạ đứng thứ tư với 4,9% thị phần trong khi hãng kem bờ hồ chỉ còn nắm khoảng 2% thị phần.

Lần về năm 2016, trong khi những tay chơi chính trên thị trường lúc đó bao gồm KIDO (với 2 thương hiệu Merino và Celano), Unilever (với thương hiệu kem Wall’s và Cornetto), Vinamilk (với thương hiệu Nhóc Kem và Delight) và Thủy Tạ thì tới năm 2020, thị trường vẫn là cuộc đua của những gương mặt nói trên và chỉ thay đổi một chút ở thị phần và vị trí.

0219-kem
TTJ càng đi xa càng "chảy nước"

Theo đó, 2 hãng kem có truyền thống lâu đời của Việt Nam là Thủy Tạ và Tràng Tiền lại đang có những bước chuyển biến ngược nhau. Trong khi Thủy Tạ càng đi càng thụt lùi về thị phần thì Tràng Tiền tiếp tục bám trụ được với thị trường và giữ ổn định tầm ảnh hưởng trong ngành kem (từ 4% đến 5%) trong nhiều năm trở lại đây.

Với phân khúc kem cao cấp Fanny, sau 16 năm vào Việt Nam, năm 2020 là năm đầu thương hiệu này mới có tên trên bảng đồ kem Việt Nam, chiếm giữ vị trí thứ tư với 4,9% thị phần. Thị trường kem cao cấp của Việt Nam dù khá hạn hẹp những vẫn đang có nhiều doanh nghiệp tham chiến - hầu hết là của nước ngoài - ngoài Fanny còn có Baskin-Robbins, Monte Rosa, Bud’s và Haagen-Dazs.

Khác với kem phân khúc trung bình, các thương hiệu kem cao cấp thường tự mở cửa hàng, cung cấp vào những quán cà phê và nhà hàng sang trọng. Họ cũng có phân phối vào các kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi, nhưng với số lượng khá hạn chế. Tức sau 4 năm, thị trường vẫn là cuộc chiến cũ của những gương mặt cũ.

Hơn nữa, khoảng cách giữa các doanh nghiệp trong top đầu như KIDO, Unilever hay Vinamilk không những không bị thu hẹp mà ngày càng xa. Vì sao lại thế?

Theo ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc của KIDO Group: "Kem là một ngành có lợi nhuận khá cao trong lĩnh vực thực phẩm, tuy nhiên nó lại khó làm và rủi ro cao, bởi ngoài phải có thị trường lớn để giảm giá thành sản phẩm còn cần đầu tư logistics lớn. Bên cạnh nhà máy sản xuất kem, doanh nghiệp còn phải có xe chở hàng chuyên dụng, tủ lạnh trữ hàng… Do đó, tại Việt Nam rất ít công ty chịu nhảy vào ngành kem, phân khúc trung cấp - cao cấp càng không có ai ngoài KIDO".

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Mai Xuân Trầm - Phó Giám đốc KIDO Foods, phải khi doanh thu mỗi năm đạt khoảng 800 tỷ đồng thì một doanh nghiệp làm kem mới đạt đến điểm hòa vốn. Chưa hết, trong ngành kem Việt Nam, rất khó để tạo ra những cú hích ở thị trường, ngay cả khi doanh nghiệp đầu tư nhiều như thế nào.

"Chúng ta cứ nhìn TH True Milk sẽ rõ: họ ra sản phẩm mới là kem vào năm 2018 và đã có khoảng hơn 20 SKUs (mã hàng lưu kho), nhưng cho đến thời điểm bây giờ vẫn chưa tạo được bất cứ tiếng vang nào trên thị trường và dường như họ vẫn chưa thâm nhập được vào các kênh truyền thống như cửa hàng tiện lợi, căng tin trường học hay cửa hàng bán lẻ".

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 12/1/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như DIG, PNJ, GVR, NLG, KPF, AAA, SGC… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng ...

Khối ngoại giảm bán, cổ phiếu họ "Vin" bị rút ròng

Kết phiên giao dịch ngày 12/1/2021, khối ngoại đã bán ròng gần 257 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 10 tỷ đồng ...

Phiên chiều 12/1/2021: "Gấu" không đủ mạnh, sắc đỏ tại VRE, CTG, VPB không thắng được sức mua

Phiên giao dịch 12/1 kết thúc trong sự tiếc nuối của những nhà đầu tư rung tay chốt lãi đầu giờ sáng. VN-Index vượt mốc ...

Đức Hậu

Tin liên quan