Chuyên gia nói gì về động thái “nới tay” thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ?
Mức thuế mới từ Mỹ được đánh giá là "tích cực", song chuyên gia kinh tế lại lên tiếng cảnh báo một vấn đề đáng chú ý.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, khoảng 20h ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Hoa Kỳ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Đổi lại, Việt Nam sẽ “mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ”, nghĩa là có thể xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam với mức thuế bằng KHÔNG.

Mức 20% là “tích cực trong thế căng thẳng”
Nhận định về diễn biến này, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng mức thuế 20% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam là con số chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh trước đó Mỹ từng đề xuất mức thuế tới 46% đối với Việt Nam. Theo ông, so với mặt bằng thuế Mỹ đang áp cho thế giới (trung bình khoảng 10%), thì mức 20% tuy không thấp nhưng có thể coi là “tích cực trong thế căng thẳng”.

Từ trước đến nay, hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam chịu thuế khoảng hơn 9%, trong khi hàng Việt sang Mỹ chỉ bị đánh khoảng hơn 3%. Do đó, ông Phong đánh giá việc mở cửa hoàn toàn thị trường cho Mỹ là động thái trao đổi có tính chiến lược: Việt Nam được duy trì xuất khẩu, trong khi Mỹ có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng công nghệ cao, nông sản và sản phẩm sạch vào Việt Nam - những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ cần đặc biệt thận trọng, bởi mức thuế tăng gấp 2-3 lần so với trước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần tính toán chia sẻ chi phí với đối tác, hoặc tái cấu trúc hoạt động để giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam vẫn đối mặt nhiều rủi ro kinh tế dù Mỹ “nới tay” thuế quan
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra góc nhìn thận trọng hơn. Ông cho rằng, mức thuế 20% dù đã “giảm” so với tuyên bố 46% trước đây, nhưng vẫn là “tăng” so với thực tiễn thương mại những năm qua, và điều này sẽ gây ra loạt tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trước hết, xuất khẩu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, vì các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là gia công chế biến là chính, giá trị gia tăng thấp, nên lợi nhuận cũng thấp. Nhất là trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, nhựa, thép... nên nếu phải chịu 20% thuế sẽ rơi vào thế bất lợi nặng nề. Doanh nghiệp có thể phải cắt giảm lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng, đặc biệt ở các địa phương phụ thuộc vào xuất khẩu.
Thứ hai, cán cân thương mại có thể chuyển từ thặng dư sang thâm hụt, từ đó kéo theo áp lực lên tỷ giá hối đoái. TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng 2-3%, vượt mốc 26.000 đồng/USD trong thời gian tới.
Thứ ba, dòng vốn FDI cũng có thể bị ảnh hưởng. FDI giải ngân có khả năng chững lại, cả ở khu vực tư nhân và khu vực công, khiến quy mô đầu tư toàn xã hội giảm so với dự kiến ban đầu. Điều này sẽ gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cảnh báo, giá vàng trong nước có thể tăng, do tâm lý phòng vệ rủi ro gia tăng.
Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. “Chúng ta có thể bước vào một giai đoạn “phòng thủ”, khi nhà đầu tư chờ đợi phản ứng chính thức của doanh nghiệp sau khi thuế có hiệu lực”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Với việc “mở cửa” cho hàng Mỹ, Việt Nam có thể nhận được những dòng công nghệ, sản phẩm chất lượng cao, nhưng ở chiều ngược lại, áp lực lên xuất khẩu và sản xuất trong nước sẽ gia tăng đáng kể. Cả 2 chuyên gia đều nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản rủi ro, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, và tăng khả năng đàm phán với đối tác để thích ứng.