Chứng khoán châu Á phân hóa: Trung Quốc tăng tốc giữa làn sóng bán tháo trong khu vực
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 16/4. Trong khi các chỉ số chính tại Trung Quốc tăng nhẹ, thị trường Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt giảm điểm do áp lực từ chính sách thuế mới và hạn chế xuất khẩu công nghệ.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,26% đạt 3.276,02 điểm, trong khi chỉ số CSI300 tăng 11,59 điểm (0,31%) lên mức 3.772,82 điểm. Ngược lại, tại Hồng Kông chỉ số Hang Seng giảm mạnh 1,46%, mất 309,53 điểm xuống còn 21.153,87 điểm.
Bức tranh kinh tế Trung Quốc trong quý I cho thấy mức tăng trưởng vượt kỳ vọng, với các chỉ số hoạt động trong tháng 3 cải thiện trên diện rộng. Tuy vậy, giới phân tích cảnh báo thiệt hại từ căng thẳng thương mại với Mỹ có thể sẽ phản ánh rõ hơn trong các chỉ số vĩ mô tháng tới, đặc biệt khi xuất khẩu trong khu vực có dấu hiệu chững lại do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong diễn biến liên quan, tập đoàn công nghệ Nvidia (NVDA.O) cho biết sẽ phải ghi nhận khoản chi phí lên tới 5,5 tỷ USD do ảnh hưởng từ lệnh hạn chế xuất khẩu dòng chip AI H20 sang Trung Quốc. Thông tin này đã khiến cổ phiếu Nvidia giảm 6,33% sau giờ giao dịch, về mức 105,10 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 347,14 điểm (1,01%) xuống mức 33.920,40 điểm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Sankei rằng BOJ có thể cân nhắc điều chỉnh chính sách nếu các mức thuế của Mỹ gây tổn hại đến kinh tế Nhật Bản – ám chỉ khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
Theo khảo sát Tankan do Reuters thực hiện, tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 4, với chỉ số niềm tin đạt +9, tăng mạnh so với mức -1 của tháng trước. Dù vậy, triển vọng ba tháng tới được đánh giá là không mấy tích cực khi các doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó với loạt thuế nhập khẩu mới từ Mỹ.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,21% xuống còn 2.447,43 điểm. Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố mở rộng gói hỗ trợ tài chính cho ngành bán dẫn lên 33.000 tỷ won (khoảng 23 tỷ USD), nhằm đối phó với rủi ro từ các chính sách thương mại của Mỹ. Gói hỗ trợ này bao gồm các khoản vay ưu đãi, trợ cấp và ưu đãi.
Một số thị trường trong khu vực cũng ghi nhận tín hiệu trái chiều. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 mất 0,036% xuống còn 7.758,90 điểm. Tại Đài Loan, chỉ số Taiex mất 389,67 điểm (1,96%) xuống 19.468,00 điểm. Tại Ấn Độ, chỉ số Sensex gần như đi ngang ở mức 76.765,17 điểm. Ngược lại, thị trường Thái Lan kết thúc chuỗi giảm, đưa chỉ số SET lên 582,86 điểm.
Trên thị trường ngoại hối, đồng Euro giảm 0,70% trong ngày, giao dịch ở mức 1,127 USD sau khi chạm đỉnh ba năm ở 1,1473 USD trong tuần trước. Dòng vốn dịch chuyển từ tài sản Mỹ sang châu Âu cùng với sức hấp dẫn giảm dần của đồng USD có thể tiếp tục hỗ trợ đà tăng của đồng tiền chung.
Đồng USD tăng nhẹ 0,12% so với Yen Nhật, đạt 143,16 Yen/USD, duy trì gần mức thấp nhất trong sáu tháng là 142,05 yen. Đồng đô la Úc và New Zealand cũng ghi nhận đà phục hồi, lần lượt tăng 0,32% và 0,39%, giao dịch tại 0,6345 USD và 0,5899 USD.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ duy trì ổn định trước bài phát biểu quan trọng trong ngày của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu ông Powell sẽ tiếp nối quan điểm thiên về nới lỏng của Thống đốc Fed Christopher Waller hay giữ lập trường trung lập hơn.