Chủ động bảo mật thông tin tài khoản trong giao dịch trực tuyến

Cập nhật: 07:00 | 25/10/2018 Theo dõi KTCK trên

Các ngân hàng đã có những nỗ lực đầu tư các phương thức bảo mật công nghệ cao nhằm bảo vệ tài khoản và những giao dịch của khách hàng. Nhưng về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu những biện pháp để chủ động bảo vệ các giao dịch mua bán, thanh toán nhất là thanh toán online một cách an toàn.

chu dong bao mat thong tin tai khoan trong giao dich truc tuyen

Việc bùng nổ thương mại điện tử đã là một cơ hội cho ngành Ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán phát triển nhiều dịch vụ thanh toán tiện ích, hiện đại trực tuyến. Nhưng kèm với sự phát triển của các hình thức thanh toán online cũng đòi hỏi bản thân khách hàng cần có những kỹ năng quan trọng để có thể bảo vệ an toàn cho những giao dịch thanh toán và thông tin tài khoản của mình.

Các ngân hàng đã có những nỗ lực đầu tư các phương thức bảo mật công nghệ cao nhằm bảo vệ tài khoản và những giao dịch của khách hàng. Nhưng về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu những biện pháp để chủ động bảo vệ các giao dịch mua bán, thanh toán nhất là thanh toán online một cách an toàn.

Xin chia sẻ với độc giả một số kỹ năng trong việc tự bảo vệ cho tài khoản và các giao dịch online của mình tránh tình trạng bị kẻ gian lợi dụng đánh cắp tiền và thông tin tài khoản ngân hàng.

Thực tế, việc ứng dụng thanh toán online của các trang bán hàng, dịch vụ hiện nay đòi hỏi sự cạnh tranh bắt buộc nhằm tăng tính cạnh tranh. Nhưng nói như vậy không phải trang bán hàng, dịch vụ nào cũng đảm bảo được an toàn, bảo mật cho khách hàng khi thanh toán với trang đó. Chưa kể có những trang bán hàng dịch vụ được dựng lên nhằm mục đích lừa đảo, ăn cắp tiền và thông tin của khách hàng.

Chính vì vậy trước khi thanh toán cho một món hàng hay dịch vụ nào đó, khách hàng cần phải kiểm tra kỹ về website bán hàng đó có đáng tin cậy hay không. Cụ thể, cần kiểm tra các thông tin như chủ quản nguồn gốc của website, giấy phép triển khai bán hàng trực tuyến, nếu có thể hãy giao dịch với các website bán hàng có liên kết với các thương hiệu thẻ thanh toán quốc tế lớn như Visacard, Matercard, Unionpay, JCB, American Express… biểu hiện ở việc có gắn logo của họ và bởi họ cung cấp cho các giải pháp an ninh, an toàn khi thanh toán online bằng thẻ.

Ví dụ như Verified by Visa (VbV), Mastercard SecureCode (MSC)… các trang thương mại điện tử lớn hiện nay thường đầu tư các App bán hàng và khách hàng khi giao dịch thanh toán qua các App cũng sẽ an toàn hơn nhiều.

Tham khảo kỹ các chính sách, điều kiện và điều khoản của website giao dịch. Hầu hết các website sẽ cam kết không làm lộ thông tin thẻ trong quá trình xử lý giao dịch. Do đó, trường hợp bị lộ thông tin thẻ mà nguyên nhân xác định là do lỗi của đơn vị chủ quản website, chủ thẻ sẽ có cơ sở xác định để khiếu kiện đơn vị.

Các chủ thẻ thanh toán bất cứ loại nào cũng đều cần đăng ký và sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo mật, an toàn cho thẻ và tài khoản của các ngân hàng, cụ thể như: Dịch vụ thông báo thay đổi số dư tài khoản qua tin nhắn SMS hoặc qua email, dịch vụ tin nhắn SMS mật mã sử dụng 1 lần (OTP) cho mỗi giao dịch thanh toán online. Lưu số điện thoại hotline của ngân hàng tài khoản phát hành thẻ để có thể kịp thời thông báo các giao dịch bất thường về máy và trong trường hợp thẻ bị mất.

Nếu khách hàng chỉ đơn thuần thanh toán những giao dịch mua bán, dịch vụ với các đơn vị có website bán hàng trong nước thì hạn chế sử dụng thẻ tín dụng thanh toán quốc tế, mà nên thanh toán bằng thẻ debit (thẻ trả trước). Việc sử dụng thẻ trả trước để giao dịch, khách hàng có thể chủ động kiểm soát được số dư tài khoản thẻ, từ đó giới hạn được số tiền khi giao dịch.

Chỉ mở tính năng giao dịch và chuyển tiền online khi có nhu cầu sử dụng để tránh tình trạng kẻ gian xâm nhập được vào tài khoản chuyển hoặc thanh toán tiền mà bạn không biết.

Tải ứng dụng ngân hàng online của các ngân hàng từ Google Play/App Store để thuận tiện quản lý thẻ và giao dịch mà không cần mang theo thẻ. Hiện tại các ngân hàng đã triển khai một số ứng dụng hữu ích nhằm tăng tính an toàn bảo mật và tiện ích cho các giao dịch và tài khoản của khách hàng, cụ thể như: thao tác khóa/mở khóa thẻ 24/7, tra cứu số dư, lịch sử giao dịch thẻ, hạn mức khả dụng…; quét mã QR để rút tiền tại ATM và thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ trên toàn cầu; hoặc cao hơn khách hàng có thể cài đặt/đổi mã PIN thẻ; tắt/mở chức năng giao dịch online…

Hạn chế giao dịch mua bán và tuyệt đối không thanh toán online hoặc cung cấp các thông tin về thẻ và tài khoản của bạn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…

Trên đây là một số những kinh nghiệm mà chúng tôi đã tổng hợp từ những ý kiến tư vấn của các chuyên gia chăm sóc khách hàng và an ninh mạng của các ngân hàng thương mại, với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ tốt hơn tài khoản và an toàn trong các giao dịch trực tuyến.

Hoài Phi

Theo thoibaonganhang.vn