Chính sách tiền tệ 2023: Tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô

Cập nhật: 21:49 | 27/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023 sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vự rủi ro...

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang có giải pháp tích cực, sớm xử lý các ngân hàng yếu kém theo hướng như chuyển giao bắt buộc.

Những ngân hàng khó khăn như SCB nổi lên trong năm 2022 do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại họp báo.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin tại họp báo.

"Có thể coi đây là sự kiện nóng của năm 2022. Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB”, ông Tú cho biết.

Đánh giá hoạt động ngân hàng trong năm 2022, Phó thống đốc chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước kiên định việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất suốt 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên tình hình thế giới tác động lớn đến tỉ giá VNĐ nên Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải hai lần tăng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo phù hợp với xu hướng chung. Sau đó, các ngân hàng thương mại cũng tăng lãi suất cả hai chiều.

Cụ thể, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước.

Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh (tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu) và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại TCTD với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).

Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đánh giá là năm kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có giải pháp tích cực sớm để xử lý các ngân hàng yếu kém, theo hướng như chuyển giao bắt buộc.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước đang có giải pháp tích cực sớm để xử lý các ngân hàng yếu kém.

Do vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các TCTD...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, ông Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, trong đó có bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản có tính chất đầu tư, đầu cơ.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có diễn đàn tín dụng đối với bất động sản để đánh giá rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, của cơ quan quản lý thị trường này, của doanh nghiệp.

"Mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, không để bong bóng, không để đóng băng" - ông Tú nhấn mạnh.

Đặc biệt, nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng...

Vũ Thành Đạt