Chi phí tăng cao, giá bán giảm thấp, Đạm Cà Mau mất 650 tỷ đồng lợi nhuận

Cập nhật: 15:56 | 24/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong khi một loạt doanh nghiệp ngành phân bón thi nhau báo lãi tăng, ông lớn Đạm Cà Mau bất ngờ cho biết lợi nhuận quý III “bốc hơi” tới 90%, tương đương 650 tỷ đồng.

Chi phí tăng cao, giá bán giảm thấp, Đạm Cà Mau mất 650 tỷ đồng lợi nhuận
Lợi nhuận quý III/2023 của Đạm Cà Mau "bốc hơi" 90%

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.011 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết, mặc dù sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý III tăng trưởng 36% nhưng giá phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022 đã khiến doanh thu bán hàng thụt lùi.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng tới 23%, ghi nhận ở mức 2.833 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn hơn 177 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp theo đó giảm từ 29,1% xuống còn 5,9%.

Đáng chú ý, nhờ lãi tiền gửi tăng, doanh thu tài chính quý III tăng trưởng đột biến, gấp 2,5 lần cùng kỳ, ghi nhận ở mức 200 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù tăng 15% so với cùng kỳ, nhưng chi phí tài chính vẫn được giữ ở mức khá thấp là 9 tỷ đồng, khiến cho hoạt động tài chính trở nên hiệu quả hơn.

Một điểm sáng khác trong kỳ kinh doanh của Đạm Cà Mau là doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp đáng kể. So với cùng kỳ, khoản mục này giảm 44%, xuống còn hơn 85 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng khá mạnh, ở mức 32%, ghi nhận ở mức 192 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận gộp. Đạm Cà Mau lý giải, điều này là do doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động bán xuất khẩu hàng hoá.

Doanh nghiệp này cho hay, bên cạnh các điểm sáng đạt được trong quý như sản lượng tiêu thụ tăng, doanh thu hoạt động tài chính thuận lợi, nhưng việc giá phân bón giảm đã làm cho lợi nhuận sau thuế giảm sâu tới 90% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 74 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý III/2019.

Chi phí tăng cao, giá bán giảm thấp, Đạm Cà Mau mất 650 tỷ đồng lợi nhuận
Biến động tại một số chỉ tiêu chính trong kỳ kinh doanh quý III của Đạm Cà Mau

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế sụt giảm tới 81%, xuống còn 617 tỷ đồng.

Được biết, năm 2023, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.459 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.381 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 quý, doanh nghiệp đã hoàn thành được 67% chỉ tiêu doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận.

Về cơ cấu doanh thu, trong khi các mảng kinh doanh khác đồng loạt tăng trưởng thì ure - mảng kinh doanh chính của Đạm Cà Mau lại là sụt giảm. Doanh thu từ ure quý III/2023 đạt 6.325 tỷ đồng, giảm gần 32%. Tuy nhiên, đây lại là khoản mục sụt giảm mạnh nhất. Trong đó, doanh thu bán ure trong nước 9 tháng đầu năm đạt 4.244 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ, còn doanh thu xuất khẩu ure giảm tới 51%, chỉ đạt 2.081 tỷ đồng.

Chi phí tăng cao, giá bán giảm thấp, Đạm Cà Mau mất 650 tỷ đồng lợi nhuận
Ure là mảng kinh doanh chính của Đạm Cà Mau nhưng lại là khoản mục sụt giảm mạnh nhất

Sự biến động của doanh thu mảng ure diễn ra tương đồng với nhận định của VDSC hồi tháng 9. Thời điểm đó, VDSC cho rằng, mặc dù giá ure trên thị trường quốc tế tăng mạnh nhưng động lực tăng trưởng từ xuất khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa rõ ràng. Theo đơn vị này, giá urê nội địa đang rơi vào khoảng 10,5 triệu đồng/tấn, tương đương 443 USD/tấn, cao hơn mức giá trung bình thế giới là 400 USD/tấn. Sự chênh lệch này làm cho các doanh nghiệp ngành phân bón không mấy mặn mà với việc xuất khẩu, ít nhất là trong quý III/2023.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt 14.715 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản tiếp tục là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.512 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này là tiền gửi ngân hàng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau thu về 399 tỷ lãi tiền gửi, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái, đóng góp không nhỏ vào cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp.

Giá trị hàng tồn kho ghi nhận ở mức 2.418 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Trong kỳ kinh doanh này, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tăng tới 45%, lên mức 5.147 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chỉ chiếm gần 6%, ghi nhận ở mức 293 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn bằng USD với ngân hàng Vietcombank với lãi suất 3,2%/năm.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 9.568 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 5.294 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.795 tỷ đồng.

Phát Đạt (PDR): Nghịch lý doanh thu đột biến, lợi nhuận "bốc hơi" 86% trong quý III

Doanh thu cốt lõi đột phá, song vì thiếu hụt nguồn thu tài chính nên lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt (PDR) vẫn trượt ...

Quý III, Hóa chất Đức Giang (DGC) "đánh rơi" 800 tỷ đồng lợi nhuận

Trái với kỳ vọng của giới phân tích, kết quả kinh doanh quý III/2023 của Hoá chất Đức Giang vẫn chưa khởi sắc.

Lợi nhuận Vinasun giảm tốc xuống mức thấp nhất 6 quý qua

Chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Vinasun sụt giảm mạnh, xuống ...

Hà Lê