Cập nhật giá vàng chiều ngày 22/7: "Hãy đầu tư chứ đừng đầu cơ"

Cập nhật: 15:48 | 22/07/2020 Theo dõi KTCK trên

Giá vàng trong nước liên tiếp “phá đỉnh” trong những phiên vừa qua. Đến thời điểm hiện tại, một số hệ thống kinh doanh kim loại quý này đã chính thức điều chỉnh tăng vượt mốc 53 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra đối với vàng SJC.

Tính đến 15h20 chiều nay, giá vàng trong nước được SJC Hà Nội niêm yết ở mức 52,10 - 53,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng tới 1,55 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tương tự, tại SJC TP. Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 52,10 - 53,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng tới 1,55 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra.

Tại Phú Qúy SJC niêm yết giá vàng ở mức 52,25 - 52,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 01 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng tới 1,35 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra.

Tại PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết giá vàng ở mức 52,00 - 52,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 820 ngàn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng tới 1,38 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra.

Tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng ở mức 52,27 - 52,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,02 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,35 triệu đồng/lượng tại chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

4707 cap nhat vang
Hình minh họa

Nhà đầu tư cần tỉnh táo

Giá vàng trong nước đã liên tục đi lên trong tuần qua. Nếu như ngày 21/7, cả hai thương hiệu này chỉ giao dịch quanh mức giá 51 triệu đồng/lượng thì đến hôm nay, cả vàng SJC và Rồng Thăng Long đều tiến sát mốc 53 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ năm 2011. Thậm chí, vàng SJC ở một số hệ thống bán ra đã vượt mốc 53 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng cao là do giá vàng thế giới 2 phiên gần đây đã tăng theo hướng "dựng đứng".

Tại phiên đầu tuần 20/7, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.810 USD/ounce, nhưng đến sáng ngày hôm nay (tính theo giờ Việt Nam), giá vàng đã được đẩy lên 1.859 USD/oune, tăng tới 49 USD/ounce.

Nhiều dự báo cho rằng giá vàng thế giới sẽ sớm lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce hồi 2011 và có khả năng sẽ lên 2.000/ounce trong vòng vài tháng tới do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các nước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, cung cầu thị trường vàng trong nước tương đối ổn định, nhu cầu vàng không tăng cao, nguồn cung cũng tương đối dồi dào. Tuy nhiên, giá vàng bị đẩy lên là do tình hình thế giới.

Ông Hiếu phân tích: Một phần giá vàng tăng trong mấy ngày qua là do dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt tại một số nước như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản… dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người thất nghiệp. Vì vậy, nhiều nước đã đưa một lượng tiền rất lớn vào lưu thông. Chính vì các biện pháp hỗ trợ kinh tế của các nước sẽ làm tăng lạm phát, đặc biệt làm giảm giá trị của đồng USD và đẩy giá vàng tăng lên.

Bên cạnh những vấn đề trên thì trên thế giới, cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng và nước Anh ra khỏi châu Âu cũng tác động nhiều đến khu vực kinh tế đồng Euro.

Mặc dù giá vàng mấy ngày qua tăng cao nhưng theo vị chuyên gia này sẽ không tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu giá vàng cứ tiếp tục tăng thì có thể sẽ làm tăng lạm phát lên vì một số mặt hàng cũng “té nước theo mưa” đẩy giá lên.

Do đó, theo ông Hiếu, người dân cần bình tĩnh khi đầu tư vào vàng, cần phải có sự tính toán chặt chẽ về tỷ lệ lợi nhuận có thể xảy ra khi mua và bán, đặc biệt không nên đầu tư một cách vội vã mà phải theo dõi thị trường.

Thực tế cũng đã chứng minh có lợi nhất trong những "cơn sốt" vàng không ai khác chính là giới kinh doanh vàng. Mỗi lần thị trường có biến động, các nhà kinh doanh vàng thường nới rộng khoảng cách giữa mua và bán để đảm bảo sự an toàn. Trong 2 ngày nay, chênh lệch giữa mua và bán được các nhà vàng nới rộng từ 700.000-800.000 đồng/lượng, trong khi ngày thường con số này vào khoảng 350.000-400.000 đồng/lượng.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng có chung nhận định nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là do sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới.

Dự báo về giá vàng trong quý 3, nhóm chuyên gia khẳng định giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, nếu trong thời gian tới, thế giới chưa nghiên cứu được vacxin phòng chống COVID-19, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên 1.900 USD/0unce và giá vàng trong nước có thể cán mốc 5,5-56 triệu đồng/lượng.

Bà Luyến cũng đưa ra lời khuyên với những người đang đầu cơ vào vàng nên cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra các quyết định giao dịch mua hoặc bán. Đặc biệt các nhà đầu tư phải theo dõi thị trường trong nước hàng ngày, hàng giờ để cập nhật tình hình thực tế để đưa ra quyết định.

"Hãy 'đầu tư' chứ không nên 'đầu cơ'. Người dân nếu có mua vàng thì không nên 'lướt sóng' mà hãy mua đầu tư, tích lũy trong thời gian dài, ít nhất từ 3 đến 6 tháng trở lên," bà Luyến nhấn mạnh.

Nguyên nhân nào đẩy giá vàng lên đỉnh cao mọi thời đại?

Theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng “dựng đứng” trong phiên giao dịch sáng nay. Qua đó, kim loại quý này ...

Bảng giá vàng SJC, vàng miếng, vàng 9999, vàng 24K… mới nhất ngày 22/7

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng “sốc” trong phiên sáng nay, trong đó mức tăng cao nhất đối với vàng SJC lên đến gần ...

Giá vàng hôm nay 22/7/2020: Tăng dựng đứng, phá vỡ mọi kỷ lục

Giá vàng tiếp tục bật tăng chủ yếu do nhu cầu vàng trên thị trường lên cao và nhiều nhà đầu tư cũng đang dịch chuyển ...

Trang Nhi

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm