Cảnh giác với hàng loạt các chiêu trò tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử

Cập nhật: 11:30 | 29/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Liên tiếp nhiều sàn thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Lazada... đã lên tiếng vì bị mạo danh, lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.

Chuyển đổi số 'dễ dàng' hơn cùng Lazada

EU đạt thỏa thuận buộc các công ty công nghệ xử lý nội dung bất hợp pháp

Thương mại đa kênh tiếp tục là "vũ khí" chiến lược của các nhà bán lẻ

Mới đây, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết thời gian qua tiếp tục nhận được những phản ánh của khách hàng, về những thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki.

Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác…, và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.

4441-thuongmai1
Các trang thông tin, tin nhắn mạo danh Tiki

Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki: Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia… "Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm", đại diện Tiki khẳng định.

Khi liên hệ với các Đối tác, Nhà bán, Khách hàng và ứng viên, Tiki sẽ làm việc trực tiếp qua email có tên miền @tiki.vn hoặc gọi điện từ số tổng đài điện đăng ký thương hiệu Tiki. Tiki lưu ý rằng, các nhà tuyển dụng của Tiki khi liên hệ với ứng viên, dù với hình thức tin nhắn, cuộc gọi hay email, sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký, yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng.

Sau giãn cách, nhu cầu xin việc của người dân ngày một tăng cao với mục đích cải thiện thu nhập. Hiểu được điều này, nhiều cá nhân, đơn vị đã giả mạo nhân viên các doanh nghiệp lớn để đưa ra những lời mời tuyển dụng hấp dẫn. Do đó, một lần nữa, Tiki khuyến khích khách hàng nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng,... mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Tiki. Nếu khách kàng nhận được những liên lạc đáng ngờ, hoặc có dấu hiệu lừa đảo mời làm việc thay mặt Tiki, cần liên hệ báo cáo thông tin cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xem xét xử lý.

4440-thuongmai
Tin nhắn mạo danh lừa đảo tuyển dụng

Trước đó, sàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa ra khuyến cáo về Amazon Global Selling nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên, mời tham gia làm việc, và yêu cầu đóng một mức phí đăng ký.

Theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon.

"Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên", Amazon lên tiếng.

Đồng thời Amazon đưa ra lời khuyên người dùng không nên phản hồi với bất kỳ yêu cầu nào như yêu cầu đóng phí, yêu cầu thông tin ngân hàng, yêu cầu mua hàng...

Những sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Sendo... trước đó cũng lên tiếng và đưa ra khuyến cáo với người dân tránh bị lừa đảo.

Nhiều người dân đã tin lời của "nhà tuyển dụng của sàn thương mại điện tử" đã nộp vào tài khoản theo hướng dẫn với mong muốn có việc làm. Chiêu trò phổ biến nhất là cộng tác viên sẽ thanh toán đơn hàng trước cho công ty, sau đó mới nhận tiền gốc cộng thêm chiết khấu.

Những đơn hàng số tiền nhỏ ban đầu nạn nhân luôn được nhận đầy đủ, nhưng khi giá trị lớn hơn thì mãi không nhận được tiền, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo.

Số nạn nhân bị lừa ngày càng nhiều cũng như số tiền bị chiếm đoạt, lừa đảo cũng gia tăng mạnh, có nạn nhân mất đến vài trăm triệu đồng.

Linh Linh