Cảng chủ lực khu vực phía Nam của một “ông lớn” chính thức được đón tàu siêu trọng tải
Cảng nước sâu quy mô 600 triệu USD của Gemadept được cấp phép tiếp nhận tàu siêu trọng, đánh dấu bước ngoặt trong chuỗi logistics toàn cầu.
Cảng nước sâu lớn nhất Cái Mép được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải trên 232.000 DWT
Ngày 17/7, cảng Gemalink - một phần trong hệ sinh thái cảng và logistics của Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) chính thức được Bộ Xây dựng chấp thuận cho tiếp nhận tàu container có trọng tải lên tới 232.494,5 DWT. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu vị thế và năng lực tiếp nhậntàu siêu trọng của cảng nước sâu lớn nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Từ năm 2023, Gemalink được giao nhiệm vụ thí điểm tiếp nhận tàu container siêu trọng tải. Trong suốt 2 năm, cảng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khai thử nghiệm theo hướng thận trọng, an toàn và tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn chuyên ngành.
Để đảm bảo an toàn vận hành, Gemalink đã đầu tư hệ thống quan trắc hiện đại, áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt và thiết lập kênh trao đổi thông tin trực tuyến 24/7. Nhờ đó, cảng đã phục vụ an toàn cho 1.055 chuyến tàu, bao gồm 70 tàu mẹ có trọng tải trên 200.000 DWT.
Đại diện Gemalink nhận định, quyết định chính thức từ Bộ Xây dựng không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực chuyên môn mà còn mở ra cơ hội để Gemalink và cả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hội nhập sâu hơn vào mạng lưới vận tải biển toàn cầu.
Đầu tư hàng trăm triệu USD vào hạ tầng cảng biển, mở rộng kết nối chuỗi cung ứng khu vực
Gemalink là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD, do Gemadept và CMA Terminals (thuộc hãng tàu CMA CGM - Pháp) liên doanh đầu tư.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, tổng công suất thiết kế của cảng sẽ đạt 3 triệu TEU mỗi năm - mức cao nhất trong số các cảng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Theo báo cáo của ACBS Research, Gemalink 2 dự kiến khởi công trong 6 tháng đầu năm 2026 và hoàn thành vào cuối năm 2027. Trong đó, giai đoạn 2A (công suất 600.000 TEU/năm) sẽ vận hành trước vào nửa cuối năm 2027, dự kiến mang lại nguồn lợi nhuận liên doanh ổn định cho Gemadept.
Công ty chứng khoán này cũng đưa ra dự báo doanh thu thuần năm 2025 của GMD sẽ đạt 4.943 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Dù sản lượng container qua cảng dự kiến giảm nhẹ 2,2%, xuống còn 4,1 triệu TEU, doanh thu từ mảng khai thác cảng vẫn có thể đạt 3.993 tỷ đồng, tăng 6,3% nhờ việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại cảng Nam Đình Vũ. Lợi nhuận từ công ty con và liên kết được ước tính ở mức 649 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh mảng cảng, mảng logistics của GMD được dự báo tăng trưởng mạnh, với doanh thu dự kiến 950 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Động lực chính đến từ việc mở rộng đội tàu lên 7 chiếc, nâng tổng sức chở lên 8.600 TEU, gấp đôi so với năm 2024.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp toàn tập đoàn dự kiến vẫn ổn định ở mức 44,5%, nhờ các cảng tiếp tục khai thác vượt công suất thiết kế.
Với bức tranh tài chính khả quan từ cả hai trụ cột là cảng và logistics, lợi nhuận trước thuế của GMD trong năm 2025 được ước tính lên tới 2.080 tỷ đồng.
Việc được cấp phép tiếp nhận tàu container siêu trọng tải không chỉ khẳng định năng lực khai thác đẳng cấp quốc tế của Gemalink, mà còn là nền tảng thúc đẩy chiến lược dài hạn của GMD trong lĩnh vực cảng và logistics. Điều này cũng góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trên bản đồ vận tải biển toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng khu vực đang dịch chuyển.