Tài chính xanh

Gemadept "điện hóa cảng biển", phát thải từ thiết bị vận hành giảm hơn 50%

Nguyễn Đăng 27/05/2025 14:49

Gemadept đang triển khai chiến lược điện hóa thiết bị cảng nhằm loại bỏ phần lớn phát thải trực tiếp trong hoạt động vận hành

Trong khai thác cảng biển, vận hành bằng dầu diesel từng là lựa chọn phổ biến cho hầu hết thiết bị. Tuy nhiên, báo cáo phát triển bền vững năm 2024 của Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD) cho thấy hướng tiếp cận khác đang được áp dụng: sử dụng điện thay vì nhiên liệu hóa thạch cho thiết bị như cẩu bờ, xe nâng và phương tiện vận hành nội bộ, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ gốc.

gemadept.jpg
95% thiết bị tại cảng Nam Đình Vũ và cảng nước sâu Gemalink đều vận hành bằng điện

Tại hai cảng chủ lực trong hệ thống là Gemalink và Nam Đình Vũ, 95% thiết bị đã chuyển sang vận hành bằng điện. Đây được xem là một trong những tỷ lệ điện hóa cao nhất trong ngành cảng tại Việt Nam hiện nay. Việc thay thế được áp dụng cho toàn bộ nhóm thiết bị chính, bao gồm cẩu bờ STS, cẩu khung RTG, xe nâng container và xe đầu kéo hoạt động nội cảng.

Chiến lược điện hóa tiếp tục được mở rộng trong giai đoạn 2 của cảng Gemalink, nơi toàn bộ cẩu bờ STS được đầu tư mới đều sử dụng điện lưới. Theo báo cáo, việc này có thể giúp giảm hơn 50% lượng phát thải carbon so với các thiết bị tương đương sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, các cẩu RTG điện cũng được ghi nhận có khả năng tiết kiệm đến 80% chi phí vận hành và giảm tương ứng lượng phát thải CO₂ ở mức tương tự.

Không chỉ dừng lại ở cải tiến kỹ thuật, những thay đổi này đã mang lại một số kết quả đo lường cụ thể. Các cảng Gemalink, Nam Đình Vũ, Dung Quất và Bình Dương đều đã đạt chứng nhận Cảng Xanh theo tiêu chuẩn TCCS 02:2022 của Cục Hàng hải Việt Nam. Riêng cảng Dung Quất còn được Mạng lưới Cảng biển Châu Á - Thái Bình Dương (APSN) trao tặng Giải thưởng Cảng Xanh GPAS 2024.

Dưới góc độ phát thải, Gemadept đã tiến hành kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1, với sự đánh giá độc lập từ các tổ chức như BSI và Bureau Veritas. Trong năm 2024, tổng lượng phát thải CO₂ từ bốn cảng chính đạt 30.700 tấn, trong đó cao nhất là Gemalink với hơn 15.000 tấn, tiếp theo là Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD và Dung Quất. Việc chuyển từ thiết bị diesel sang điện góp phần chuyển trọng tâm từ phát thải trực tiếp (Scope 1) sang phát thải gián tiếp (Scope 2), nơi doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt hơn thông qua lựa chọn nguồn điện và cải tiến hiệu suất sử dụng năng lượng.

Tại cụm cảng Hải Phòng, Gemadept cũng đã đưa vào vận hành xe đầu kéo Terberg thế hệ mới - loại xe chuyên dùng trong khu vực bãi container, với đặc điểm vận hành bằng điện, hiệu suất cao và tiêu hao nhiên liệu thấp hơn đáng kể so với xe chạy dầu. Đây là nhóm thiết bị hỗ trợ nhưng có tần suất hoạt động liên tục, do đó việc chuyển đổi năng lượng ở phân khúc này cũng góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu tổng thể.

Việc điện hóa thiết bị cảng còn được triển khai song song với chiến lược số hóa trong quản lý vận hành. Các hệ thống điều hành container, giám sát bãi theo thời gian thực và quản lý quy trình logistics giúp tối ưu hóa luồng hàng, giảm thời gian chờ và tăng hiệu suất thiết bị, qua đó gián tiếp giảm tiêu hao năng lượng trong toàn chuỗi.

Trong báo cáo, Gemadept xác định mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Việc điện hóa thiết bị được xem là một trong các bước đầu tiên có thể thực hiện trong nội bộ để kiểm soát phát thải trong phạm vi vận hành trực tiếp, thay vì chỉ dựa vào các biện pháp bù trừ hoặc cơ chế thị trường.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Gemadept "điện hóa cảng biển", phát thải từ thiết bị vận hành giảm hơn 50%
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO