Bức tranh thương mại 6 tháng đầu năm: Ai đang "gánh" cán cân tăng trưởng?

Cập nhật: 15:21 | 22/07/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 6/2019 (từ ngày 16/6 đến 31/6/2019) đạt 20,96 tỷ USD, tăng 5,5% so với nửa đầu tháng 6/2019...

buc tranh thuong mai 6 thang dau nam ai dang ganh can can tang truong

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 6/2019 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm đạt gần 243,48 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 18,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018 trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 153,87 tỷ USD, tăng 6%; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 89,61 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa nửa cuối tháng 6 thặng dư 1,5 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 1,59 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 6 vừa qua đạt 11,23 tỷ USD, tăng 10,4% so với nửa đầu cùng tháng.

Giá trị xuất khẩu nửa cuối tháng 6 biến động tăng so với trước đó ở một số nhóm hàng như điện thoại các loại và linh kiện tăng 353 triệu USD, tương ứng tăng 20,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 116 triệu USD, tương ứng tăng 8,1%; hàng dệt may tăng 79 triệu USD, tương ứng tăng 5,6%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 77 triệu USD, tương ứng tăng 66,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 45 triệu USD, tương ứng tăng 6,6%...

Như vậy, tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,53 tỷ USD, tăng 7,2%, tương ứng tăng 8,21 tỷ USD so với tháng 6 năm ngoái.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 6/2019 đạt 9,73 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% so với nửa đầu tháng 6/2019.

Giá trị nhập khẩu hàng hóa nửa cuối tháng 6 tăng chủ yếu ở một số nhóm hàng như điện thoại các loại tăng 115 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 45 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 36 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 30 triệu USD...

Bên cạnh đó có một số mặt hàng biến động giảm bao gồm vải các loại giảm 34%; phế liệu sắt thép giảm 32 triệu USD; bông các loại giảm 28 triệu USD...

Như vậy, tính đến hết tháng 6/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 120,94 tỷ USD, tăng 8,9%, tương ứng tăng 9,88 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Việt Nam không âm.

buc tranh thuong mai 6 thang dau nam ai dang ganh can can tang truong
2018 là năm thành công của Kinh tế Việt Nam với thặng dư thương mại lớn nhất từ trước đến nay

Vì sao thăng dư thương mại "không âm"

Nhìn lại năm 2018, con số 7,2 tỷ USD thặng dư thương mại mà Tổng Cục Thống Kê đưa ra là kết quả mang nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nước ta vừa trải qua một giai đoạn thâm hụt thương mại kéo dài.

Xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần rất lớn vào mức tăng trưởng GDP 7,08% của năm 2018 đồng thời, tác động tích cực lan toả lên mọi chỉ số khác như việc đóng góp nguồn ngoại tệ lớn, giúp dự trữ ngoại hối VN tăng lên mức cao nhất sau nhiều năm.

Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ cũng tương đối ổn định so với các đồng tiền khác khi đồng USD có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018.

Tuy nhiên, cũng giống như năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI luôn vượt trội so với giá trị mà doanh nghiệp trong nước tạo ra. Điều này khiến rất nhiều người lo ngại: Liệu kinh tế VN có thực sự tốt nếu như chúng ta phụ thuộc nhiều vào FDI? Liệu rằng điều đó có thực sự tốt không khi mà hiện nay, rất nhiều FDI đang hưởng lợi rất lớn từ chính sách hay việc chúng ta không có nhiều doanh nghiệp phụ trợ nội địa được hưởng lợi giam gia vào chuỗi cung ứng?

buc tranh thuong mai 6 thang dau nam ai dang ganh can can tang truong
Chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Thế Hiển: "Chúng ta sẽ không thể mong rằng chỉ một sớm một chiều mà chúng ta có thể đạt được cùng lúc nhiều chỉ tiêu"

“Có phải chăng chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều?”, đó là câu trả lời của Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khi nói đến chủ đề này.

Theo TS Hiển, chúng ta phải nhìn nhận khách quan hơn. Chúng ta đã giảm được thâm dụng vốn đầu tư công, rồi đầu tư tràn lan gây thất thoát ngân sách, giảm được việc bơm tín dụng cao vào nền kinh tế, nợ xấu,… mới duy trì được GDP, thì năm nay chúng ta không bị những áp lực đó chính nhờ vào FDI.

“Xét về bản chất, tăng trưởng từ FDI là tăng trưởng sản xuất, so với việc tăng trưởng nóng về tín dụng về đầu tư công thì doanh nghiệp sản xuất tạo được nhiều việc làm hơn. Việc làm giúp cho người lao động có thu nhập tăng lên và thu nhập thông qua tiêu xài thẩm thấu vào kinh tế tiêu dùng”, TS Đinh Thế Hiển nhận định.

“Thử hình dung xem một địa phương đông dân, không thể dựa hết vào nông nghiệp; làm sao để lao động địa phương có việc làm và kinh tế nông thôn phát triển? Tôi đã thấy những cô gái Bến Tre (một địa phương ở miền Tây) chỉ tốt nghiệp trung cấp kế toán địa phương đã có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng nhờ vào khu công nghiệp địa phương với các công ty FDI; mà trước đây khi còn đi học cũng không biết ra trường xin việc như thế nào.

Với nhiều người lao động địa phương có việc làm để tạo nhu cầu tiêu dùng lan tỏa tạo ra nhiều việc làm khác, nó còn giúp cho quá trình tăng quy mô điền trang sản xuất lớn nông nghiệp... Như vậy, khu vực đó đến nay đã có một nền tảng kinh tế vững chắc nhờ người lao động có thu nhập, kéo theo sự phát triển ở nhiều lĩnh vực từ giáo dục, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp…

Chúng ta sẽ không thể mong rằng chỉ một sớm một chiều mà chúng ta có thể đạt được cùng lúc nhiều chỉ tiêu; chúng ta không thể đòi hỏi FDI vừa đem việc làm tới, vừa chuyển giao công nghệ và mua bán thành phẩm nội địa; cái này là một tiến trình của nhiều lực lượng, nhiều thời gian. Hiện tại, với việc phát triển xuất khẩu của FDI, đã tạo nhiều cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt với thị trường nội địa cải thiện và với nhiều cơ hội khi tham gia từng bước vào chuỗi cung ứng xuất khẩu.”

Để đơn giản hơn, chúng ta cùng nhìn lại những gì mà DN FDI mang lại cho nền kinh tế VN sau hơn 10 năm qua. Nếu như các DN trong nước vốn là đối tượng “tiêu” USD thì các FDI lại mang về nhiều USD nhất cho nền kinh tế. Đừng quên chúng ta từng khổ sở vì lượng dự trữ ít ỏi những năm kinh tế trì trệ cách đây chục năm. Vậy thì tại sao chúng ta lại lo ngại sự phát triển FDI không theo hướng mong muốn của các chuyên gia?

“Thay vào đó, chúng ta hãy xem các doanh nghiệp FDI là một thành phần tích cực của nền kinh tế VN. Nếu các DN Việt Nam đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài là điều tốt và là mục tiêu lâu dài. Còn trước mắt, FDI đang có vai trò rất tích cực trong nền kinh tế; cho phép Chính phủ có dư địa thời gian để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thực chất và bền vững.

buc tranh thuong mai 6 thang dau nam ai dang ganh can can tang truong
Việt Nam sẽ thâm hụt bao nhiêu tỷ USD nếu không có thặng dư từ FDI bù đắp?

Vấn đề ở đây là chúng ta phải thể hiện đúng cam kết tạo sân chơi công bằng với họ đồng thời không ưu đãi quá đáng hoặc bất công với DN nội. Đi kèm với đó là cam kết về công nghệ sạch, đảm bảo môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động…

Và ở đâu có FDI gây ra tổn hại môi trường thì ban quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu họ cạnh tranh bình đẳng thì đó là điều tốt và chúng ta không có gì phải sợ vấn đề chủ sở hữu không phải là người Việt”, một chuyên gia kinh tế gốc Việt nhận định trên trang cá nhân khi nói về FDI.

Yến Thanh