“Bức tranh” kinh doanh quý 2/2021 dần hé lộ, có doanh nghiệp đã vượt rất xa kế hoạch cả năm

Cập nhật: 09:55 | 04/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhiều doanh nghiệp mới đây đã công bố kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự khởi sắc ở các ngành dầu khí, thuỷ sản cho đến cảng biển,... Tuy nhiên, bức tranh u ám tiếp tục bủa vây ngành hàng không nội địa khi hai đợt dịch bùng phát liên tiếp trong nửa đầu năm.

Lịch cổ tức tuần mới (5/7-9/7/2021): 22 doanh nghiệp chốt trả cổ tức, cá biệt 5.000 đồng/cp

Nhận định chứng khoán tuần từ 5-9/7/2021: Hệ thống mới vận hành sẽ giúp VN-Index tiếp tục lập đỉnh

3758-quy-2
“Bức tranh” kinh doanh quý 2/2021 dần hé lộ (Ảnh minh họa)

Hưởng lợi nhờ giá dầu leo cao, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là doanh nghiệp có kết quả nổi bật nhất với lợi nhuận ước đạt trên 3.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm (cùng kỳ lỗ hơn 4.200 tỷ đồng sau thuế). Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay của BSR ở mức thận trọng, khoảng 864 tỷ đồng.

Nguyên nhân là nửa đầu năm giá dầu WTI tăng mạnh từ hơn 40 USD/thùng lên trên mốc 70 USD/thùng qua đã giúp những doanh nghiệp họ dầu khí nói chung và BSR nói riêng được hưởng lợi.

Phía BSR cũng nhận định, giá dầu được dự báo tiếp tục tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ 2021 dự báo tăng 6,6% so với năm 2020. Kinh tế thế giới hồi phục nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn khi các nước đều mạnh tay chi tiền cho việc tiêm vắc-xin, đồng thời, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được triển khai nhằm ứng phó tác động của dịch bệnh là yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu phục hồi trở lại.

Nhiều dự báo còn cho rằng, giá dầu thậm chí còn đạt 80 USD/thùng trong năm nay. Đây là cơ sở để kỳ vọng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack spread) của BSR tiếp tục cải thiện, yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp.

Tương tự, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) cũng ghi nhận mức lợi nhuận 420 tỷ đồng sau 6 tháng nhờ giá cước thuê tàu tăng cao. Kết quả này đã giúp doanh nghiệp thực hiện được 84% kế hoạch năm.

Nhận định về kết quả quý 2/2021 ngành dầu khí, SSI Research ước tính Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX), Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (Mã: PLC), Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2/2021, trong khi Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) được dự báo lợi nhuận đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.

4019-gmd
Ảnh: Gemadept

Ở lĩnh vực logistics và cảng biển, từ đầu năm đến nay, ngành này tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc khi hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng và giá cước vận tải biển đạt đỉnh trong hai năm qua.

Trong đó, việc CTCP Gemadept (Mã: GMD) sở hữu lợi thế với quy mô lớn, hệ thống cảng biển trải dài cả nước và chuỗi dịch vụ logistics tương đối đầy đủ đã giúp công ty ước lãi quý II tăng trưởng 38% so với cùng kỳ khi ngành cảng biển bùng nổ.

Theo đại diện Gemadept, ngay từ đầu năm, dù xác định dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp nhưng ban lãnh đạo vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với các doanh nghiệp cùng ngành. Năm 2021, Gemadept cho rằng đây là năm bản lề để công ty hướng tới chiến lược phát triển đến năm 2025.

Kết thúc quý 2/2021, nhiều công ty chứng khoán đã cơ bản hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm. Kết quả khả quan này được dự báo sẽ kéo dài trong nửa cuối năm nhờ vào những yếu tố thuận lợi của thị trường. Xem kết quả kinh doanh công ty chứng khoán TẠI ĐÂY

Đại diện cho ngành công nghiệp sản xuất, Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex – Mã: GEX) cho biết trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam nói chung và Gelex nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề vì giá nguyên vật liệu cũng như chi phí logistics tăng cao. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới cả tiến độ cung cấp hàng hóa lẫn nguồn nhân lực của Gelex và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, "Gelex không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Chúng ta có bị ảnh hưởng nhất định về giá nguyên liệu và lực lượng lao động nhưng hoạt động sản xuất không bị gián đoạn", đại diện Gelex chia sẻ.

Kết quả, lợi nhuận 6 tháng ước tính khoảng 891 tỷ đồng, thực hiện trên 69% kế hoạch năm nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC).

CTCP Vicostone (Mã: VCS), doanh nghiệp trong top 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp trên thế giới, cũng ước lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 963 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, thực hiện đúng 50% kế hoạch năm.

Nói về tình hình các tháng đầu năm, trong khi chi phí vận tải đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng "tính đến hiện tại thì giá cước chưa có ảnh hưởng gì đến Vicostone", Chủ tịch HĐQT chia sẻ.

Đại diện trong nhóm ngành thủy sản, mới đây CTCP Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) đã ước kết quả kinh doanh 6 tháng với khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 11% so với cùng kỳ.

Dù tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam khả quan trong những tháng đầu năm nhưng theo lãnh đạo Thủy sản Minh Phú, vấn đề thiếu container, chi phí vận tải leo thang và nguồn cung nguyên liệu đứt gãy sẽ khiến "ông trùm nuôi tôm" có thể lỡ kế hoạch năm 2021.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Minh Phú mới đây đã bày tỏ trước cổ đông: "Chúng tôi thấy khó hoàn thành kế hoạch với giá cước tàu tăng như thế này. Cụ thể, hoạt động sản xuất sẽ đạt kế hoạch nhưng kế hoạch bán hàng và lợi nhuận chỉ có thể đạt 80%".

Cùng ngành, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) chưa công bố cụ thể con số lợi nhuận hai quý đầu năm nhưng cho biết chỉ tiêu này ở mức khá tương đồng so với mức tăng trưởng doanh số (tăng 29%) và sẽ tốt hơn cùng kỳ năm 2020.

4514-hang-khong
Doanh nghiệp hàng không lao đao vì COVID-19

Bức tranh u ám tiếp tục bủa vây ngành hàng không nội địa khi hai đợt dịch bùng phát liên tiếp trong nửa đầu năm. Trong đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) dự kiến lỗ đến 10.000 tỷ đồng sau hai quý. Hãng hàng không này đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Nếu Vietnam Airlines tiếp tục làm ăn bết bát và ghi nhận lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 này, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khỏi HOSE và phải chuyển xuống giao dịch ở UPCOM.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của ông lớn CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) bị hạn chế. Chưa kể, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trên nhiều tỉnh, thành cả nước và có nguy cơ lây lan diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn.

Kết quả, doanh thu của Dabaco ước đạt 8.431 tỷ đồng sau hai quý, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 23% còn 579 tỷ đồng.

Quang Huy

Tin cũ hơn
Xem thêm