Bỏ quy hoạch sân golf: Có gì sớm nay mà… xôn xao?

Cập nhật: 06:00 | 08/11/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đồng ý bổ sung Dự án Sân golf và Nghỉ dưỡng Bắc Giang vào quy hoạch sân golf Việt Nam năm 2020. Điều này được ví như hành động dỡ mái nhà tranh giúp các “dự án trồng cỏ” được nhìn thấy nắng.  

bo quy hoach san golf co gi som nay ma xon xao Giới hạn đất dựng sân golf: Cấm “bén bảng” tới đất an ninh, quốc phòng
bo quy hoach san golf co gi som nay ma xon xao Hà Nội công khai danh sách dự án bị buộc chấm dứt hoạt động
bo quy hoach san golf co gi som nay ma xon xao Ngoài dự án có trung tâm giải trí đua chó Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 sân golf
bo quy hoach san golf co gi som nay ma xon xao
Theo thống kê, cả nước hiện có 116 sân golf được quy hoạch

Từ dự án sân golf…

Theo hồ sơ đề xuất quy hoạch của tỉnh Bắc Giang, dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang nằm trong tiểu vùng kinh tế phía Đông của tỉnh Bắc Giang, thuộc các xã Chu Điện, Khám Lạng và xã Yên Sơn (huyện Lục Nam).

Đây là khu vực có địa hình cảnh quan đẹp, chủ yếu là đồi núi, đất rừng trồng sản xuất hiệu quả thấp, đất trồng cây hàng năm, đất hoang hóa và mặt nước. Khu vực có hiện trạng đất đai phù hợp với tiêu chí để quy hoạch sân golf theo quy định; không có các loại đất cấm sử dụng làm sân golf.

Dự án được quy hoạch phát triển trên diện tích khoảng hơn 199 ha, với quy mô 36 lỗ, tổng nguồn vốn đầu tư dự án khoảng gần 1.200 tỷ đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm triển khai dự án theo quy định.

Theo khảo sát thực tế, vị trí nghiên cứu quy hoạch dự án là khu vực kém phát triển, chưa đô thị hóa của huyện Lục Nam. Đây là khu vực có mật độ dân cư thưa thớt; có khoảng 350 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 12 hộ gia đình có công trình xây dựng trên đất, chủ yếu là công trình chăn nuôi, canh tác.

Trước đó, ngày 27/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký hàng loạt văn bản chấp thuận bổ sung loạt sân golf vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Cụ thể, bổ sung sân golf Kênh Gà - Vân Trình tỉnh Ninh Bình, sân golf FLC Quảng Bình Golf Links, sân golf Bến En tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa; sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế); sân golf Việt Yên tại xã Hương Mai và xã Trung Sơn, Việt Yên, Bắc Giang; Tuyên Quang…

Đến hàng rào quy hoạch

Qua quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đồng ý bổ sung Dự án Sân golf và Nghỉ dưỡng Bắc Giang vào tổng thể quy hoạch sân golf ở Việt Nam đến năm 2020, có thể thấy, việc Bộ này gỡ bỏ quy hoạch sân golf đã bắt đầu phát huy nhiều tính ưu việt, tạo điều kiện cho các dự án sân golf chất lượng và đẳng cấp ra đời.

Cụ thể mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất bỏ quy hoạch phát triển sân golf để chuyển sang áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh với các tiêu chí cụ thể, minh bạch và hợp lý để nhà đầu tư tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý hoạt động của sân golf.

Theo ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, một trong những vướng mắc hiện nay trong thị trường golf nằm ở quy hoạch. Quy hoạch của Nhà nước xác định chỉ có vị trí này, vị trí kia làm sân golf. Việc quy hoạch lựa chọn địa điểm cho sân golf là cách làm duy ý chí bởi có những địa điểm được phép làm sân golf nhưng khi làm lại không có lãi chỉ vì khách không tới.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ thay đổi Nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf, làm sân golf trở thành một hạng mục đầu tư có điều kiện, tức là đáp ứng đúng điều kiện đó (ví dụ: không lấn chiếm quá nhiều đất nông nghiệp, đảm bảo cảnh quan, không ảnh hưởng tới môi trường…) thì được làm và không nhất thiết bám theo quy hoạch.

Còn theo quy hoạch hiện nay, nếu bắt xây dựng một sân golf ngay trên đất nông nghiệp thì sẽ không có nhà đầu tư nào muốn rót vốn. Vì thực tế cho thấy, sân golf “sinh ra” từ đất nông nghiệp thì không có khách tới chơi. Một ngày chỉ thu hút được một số ít golf thủ tham gia thì nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ khi phải chi trả rất nhiều tiền cho bộ máy nhân sự, bảo dưỡng sân golf.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những lợi ích mà nó mang lại cũng như khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho nên trong bối cảnh Luật Đất đai đang ngày càng chặt chẽ hơn thì thực sự việc quy hoạch sân golf như một đòi hỏi trước đây cũng không cần thiết. Chính vì thế, việc bỏ quy hoạch sân golf là hợp lý.

Và quỹ đất với “nhà đầu tư ma”

Tuy nhiên thời gian qua, câu chuyện về ngành golf không chỉ nóng ở việc quy hoạch và còn cả trong vấn đề sử dụng quỹ đất mà chủ đầu tư được giao để phát triển sân golf.

Bàn về câu chuyện này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng: Về vấn đề sử dụng quỹ đất, nếu trong quy định chúng ta quán triệt luôn là không có chuyện chuyển đổi đất dành cho sân golf thành đất ở hoặc thành đất đô thị thì rõ ràng các nhà đầu tư còn trụ lại sẽ là những nhà đầu tư cho sân golf thật. Không thể tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư núp bóng làm sân golf để chuyển đổi đất thành khu đô thị. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ hướng được nguồn lực của xã hội đi đúng hướng mong muốn của nhà quản lý, và giúp ích cho nền kinh tế phát triển.

Trong thời gian vừa qua chúng ta đã buông lỏng vấn đề quản lý đất đai tại một số sân golf và rõ ràng như thế là không ổn. Hầu hết những nhà đầu tư đầu tư vào sân golf chỉ mong muốn là chiếm giữ một khu đất thật rộng để sau này trong tương lai sẽ chuyển hóa thành đất ở. Và nếu ngay từ đầu chúng ta xác định là không có chuyện đó, thì có lẽ người dân sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với các dự án sân golf.

Cùng với đó, TS. Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Xét trong vấn đề quy hoạch, khi bổ sung một sân golf nào đó vào quy hoạch thì phải xét thật kỹ địa điểm xây dựng, tác động đến môi trường, tác động đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… Nếu sân golf đi vào hoạt động mà xảy ra sự cố thì phải quy trách nhiệm cho ai? Tất cả những vấn đề này phải thật rõ ràng. Nếu như sân golf được xây ở những vùng đồi gò, sỏi đá khô cằn thì không ai phản đối. Ngược lại, những chỗ không hợp quy hoạch như đất rừng, đất lúa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì không thể chấp nhận và phải loại bỏ, không duyệt quy hoạch, đó là điều hiển nhiên.

Nam Thiên